Tái đàn lợn trong điều kiện an toàn

Thứ Tư 8:17 09/09/2020

ĐBP - Thời gian qua, sau khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được kiểm soát, khống chế, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã tái đàn, khôi phục sản xuất. Song tình hình dịch bệnh lại có chiều hướng diễn biến phức tạp khi nhiều địa phương tái phát dịch.

Bà Lò Thị Oi, bản Quyết Tiến, thị trấn Tủa Chùa chăm sóc lợn mới tái đàn.

Dịch bệnh còn phức tạp

Tháng 6/2020, DTLCP tái phát trên địa bàn xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên. Ðến hết ngày 3/9, toàn tỉnh có 178 hộ chăn nuôi ở 78 thôn, bản thuộc 21 xã của 3 huyện: Ðiện Biên, Mường Chà, Mường Nhé và TP. Ðiện Biên Phủ tái phát dịch; tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy là 726 con, trọng lượng hơn 39 tấn. Trong số 21 xã có dịch đến nay đã có 7 xã (chiếm 33,3%) qua 21 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh; huyện Mường Nhé từ ngày 13/8 đến nay (22 ngày) không phát sinh lợn mắc bệnh.

Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Nguy cơ DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan không chỉ tại các xã, huyện đang có dịch mà ngay cả các huyện, thị còn lại do mầm bệnh (vi - rut ASF) có khả năng tồn tại lâu dài ngoài môi trường, trong quần thể đàn; đường lây truyền phức tạp, trong khi trên địa bàn tỉnh chăn nuôi lợn nhỏ lẻ là chủ yếu (chiếm 95%) nên khó áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn gia tăng; thời tiết diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển. Bên cạnh đó, việc không có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị sẽ là thách thức đối với việc tái đàn lợn trong hiện tại và tương lai gần.

Huyện Ðiện Biên có 11 xã tái phát DTLCP, nhiều nhất trong toàn tỉnh. Các xã tái phát dịch chủ yếu ở khu vực lòng chảo. Ðến nay có 51 bản, 106 hộ có dịch, tổng số lợn bệnh tiêu hủy là 381 con, với tổng trọng lượng hơn 20 tấn. Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo người dân chưa vội tái đàn; đồng thời thực hiện các biện pháp khử trùng, vệ sinh chuồng trại để mầm bệnh chết hoàn toàn. Nếu tái đàn phải đảm bảo đủ diều kiện chăn nuôi an toàn sinh học và phải báo chính quyền địa phương. Hiện nay, Phòng thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Tái đàn an toàn

Ðể đảm bảo cho việc tái đàn, phát triển đàn lợn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ giữa tái đàn lợn và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt. Trong đó, ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ (mặt bằng, đất đai, nguồn vốn) để người chăn nuôi phát triển mô hình chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn sinh học. Cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Ðồng thời, hướng dẫn, giám sát các cơ sở sản xuất lợn giống tại địa phương tăng cường việc nhân giống, cung ứng giống lợn có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người dân. Khuyến khích hộ chăn nuôi, các trang trại nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ cần tham gia trong các chuỗi liên kết thành mô hình hợp tác xã kiểu mới, đây là loại hình kinh tế có hiệu quả với chăn nuôi nông hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ.

Khi DTLCP bùng phát đợt trước, huyện Tủa Chùa là một trong những huyện có diễn biến phức tạp và bị thiệt hại nhất. Song với sự quyết liệt thực hiện các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch, đến nay huyện chưa có dấu hiệu tái phát dịch.

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Sau khi DTLCP được khống chế, để đảm bảo cho việc tái đàn, phát triển đàn trở lại, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người chăn nuôi nên tái đàn chậm, không nên tái đàn ồ ạt khi chưa đảm bảo đủ điều kiện về an toàn sinh học. Ưu tiên sử dụng con giống địa phương, tránh mua con giống từ nơi khác khi chưa rõ nguồn gốc. Ðể đảm bảo quyền lợi, người dân khi tái đàn cần thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để có sự kiểm soát, hướng dẫn về kỹ thuật. Ðến thời điểm này, việc tái đàn lợn được nhiều hộ chăn nuôi triển khai thực hiện với quy mô nhỏ theo hướng có kiểm soát, an toàn, chất lượng.