Hẹn với chợ phiên xưa

Thứ Bảy 10:32 12/09/2020

ĐBP - Vùng đất Tủa Chùa với nhiều sản vật đã “vang danh” trên địa bàn tỉnh, phong tục, tập quán văn hóa cũng phong phú, đa dạng sắc màu với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như: Mông, Thái trắng, Dao, Phù Lá... Ðối với du khách phương xa, để chứng kiến sự giao thoa văn hóa và những nét đặc sắc trong nếp sinh hoạt ở vùng cao nơi đây, đến các chợ phiên ở Tủa Chùa là một lựa chọn tốt.

Người dân mua bán hàng tại chợ phiên Xá Nhè. Ảnh: Lan Phương

Ðổi mới hay phôi phai?

Huyện Tủa Chùa hiện có 3 địa bàn tổ chức chợ phiên gồm: Tả Sìn Thàng (họp vào các ngày Tý và Ngọ); Xá Nhè (họp vào ngày Mão và ngày Dậu) và chợ phiên thị trấn Tủa Chùa được họp vào các ngày Chủ nhật. Ngoài ra, mới đây, tại chợ thị trấn có một hình thức chợ phiên mới được hình thành đó là phiên chợ đêm được họp vào tối thứ 7 hàng tuần.

Ðến với Tủa Chùa những ngày đầu thu, với tâm trạng của những người lâu ngày mới được “hẹn hò” với chợ phiên vùng cao. Từ trung tâm huyện Tủa Chùa, chúng tôi háo hức dậy từ 5 giờ sáng, khẩn trương sắp xếp hành trang, rồi rẽ màn  mây sớm để đến với chợ phiên Xá Nhè (thuộc bản Pàng Dề A, xã Xá Nhè). Thậm chí, với dự định để cảm nhận đầy đủ nhất “hương vị” chợ phiên, chúng tôi quyết định không ăn sáng ở thị trấn huyện mà “dành bụng” để thưởng thức bữa sáng ngay tại chợ. Vượt hơn 10km theo tỉnh lộ 40 và đường liên xã, chợ phiên Xá Nhè hiện ra dưới chân con dốc cao, ngay cạnh quần thể hang động Khó Chua La, Xá Nhè. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, chợ phiên Xá Nhè mới được quy hoạch lại, di chuyển từ khu vực trung tâm hành chính xã (bản Pàng Dề B) về bản Pàng Dề A (cách nhau khoảng 2km). Vị trí mới có địa hình tương đối bằng phẳng, rộng rãi, khá lí tưởng để quy hoạch, xây dựng thành khu chợ trung tâm.     

Dạo một vòng quanh khu chợ phiên mới được quy hoạch bài bản, hàng hóa được bày bán khá phong phú, với những gian hàng nông cụ sản xuất, hàng tiêu dùng phổ thông như: Quần áo, giày dép, dầu ăn, mì chính... Dọc 2 bên đường là các loại hoa quả, gia cầm, thực phẩm được tiểu thương bày bán; tiếng loa quảng cáo các mặt hàng khuyến mại, giảm giá đua nhau mở với công suất lớn. Về cơ bản thì đây là một khu chợ đúng nghĩa, nhưng theo trải nghiệm và cảm nhận ban đầu của tôi, hàng hóa chủ yếu mang từ nơi khác đến. Một số nông sản, hoa quả như nhãn, khoai sọ... cũng không xuất phát từ nơi đây mà được giới thiệu có nguồn gốc từ huyện Sông Mã (Sơn La) hoặc từ các địa bàn vùng xuôi mang lên. Mặt hàng đặc thù là trang phục dân tộc cũng được gia công hóa và mang từ nơi khác đến. Khi tôi có ý định mua một con gà Tủa Chùa vốn được coi là nức tiếng thơm ngon để mang về nhà người bạn đang sinh sống tại Tủa Chùa để thưởng thức thì ngay lập tức nhận được lời khuyên từ anh bạn đi cùng là không nên, với lí do: “Ðến em là “thổ dân” mà nhiều lúc còn không mua được gà xịn thì anh không nên mua..!”. Hoạt động trao đổi hàng hóa theo kiểu “của nhà làm ra đổi lấy đồ không làm ra được” theo đúng“chất” chợ phiên vùng cao đã hạn chế; hình ảnh thiếu nữ vùng cao xúng xính váy hoa, nghiêng ô e thẹn xuống chợ phiên...  cũng không còn nhiều. Thậm chí, cái trải nghiệm say lâng lâng trong men Mông Pê nồng nàn khi đi nếm rượu một vòng quanh chợ của tôi cách đây chừng 7 năm cũng không còn, khi cả phiên chợ không có ai bán rượu.

Anh Trần Duy Thăng - một người sinh sống và kinh doanh tại khu vực trung tâm xã Xá Nhè đã hơn 10 năm cho biết: Ðúng là cái “chất” chợ phiên xưa, nay đã đổi thay. Hình ảnh bà con đến ngày chợ phiên tay ôm theo con gà, chú lợn con đã ít đi nhiều. Nhưng phải nhìn nhận khách quan rằng, xu thế chung hiện nay là sản xuất theo hướng hàng hóa, thị trường bao tiêu bằng hệ thống hoặc các hình thức hiện đại hơn. Âu cũng là sự đổi thay khó tránh khỏi.

Ðúng như lời anh Thăng chia sẻ, khi chúng tôi đến chợ phiên thị trấn Tủa Chùa, mặc dù hàng hóa tại đây phong phú hơn nhiều so với chợ phiên Xá Nhè, kể cả những mặt hàng mang tính đặc thù địa phương, những đặc sản “độc, lạ” cũng được bày bán nhưng cơ bản hàng hóa được phân phối từ những tiểu thương “chuyên nghiệp”. Ðặc biệt, tại phiên chợ đêm thị trấn Tủa Chùa với mặt hàng chủ yếu là nông sản, các loại hoa lan, thuốc cổ truyền... hình thức bán hàng phổ biến là livestream (phát trực tiếp qua mạng xã hội Facebook). Khắp cả khu chợ, đâu đâu cũng gặp hình ảnh các streamer giọng sang sảng bên chiếc điện thoại thông minh đang phát sáng...

Hẹn ngày “tái ngộ” chợ phiên xưa

Trong tâm trạng băn khoăn, cảm xúc có phần mâu thuẫn giữa sự đổi mới và mai một, chúng tôi trao đổi với ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè về câu chuyện chợ phiên tại địa phương. Ông Tráng chia sẻ: Vừa qua, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, trao đổi hàng hóa cũng như các quy định về quy hoạch, xây dựng chợ theo Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Chợ Xá Nhè đã được Nhà nước đầu tư xây dựng với các hạng mục theo tiêu chuẩn chợ nông thôn mới. Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng nên hiện nay một số hạng mục của chợ chưa được hoàn thiện, bà con xuống mua bán, trao đổi tại vị trí chợ mới chưa nhiều. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các anh cảm thấy “chất chợ phiên Xá Nhè đã phôi phai”. Nhưng không sao, “đúng nơi nhưng sai thời điểm” thôi. Bởi theo định hướng của chính quyền cũng như các hạng mục được quy hoạch, xây dựng của chợ Xá Nhè, chúng tôi sẽ tổ chức song song những hoạt động kinh doanh thường nhật với các phiên chợ truyền thống vào các ngày ấn định (dự kiến vẫn là ngày Mão, ngày Dậu). Trong đó, ngày phiên chợ sẽ hoạt động đúng theo chợ phiên xưa với các phương thức trao đổi hàng hóa đặc thù, hàng hóa đặc trưng địa phương sẽ được bố trí họp tại khu riêng, có giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống. Bởi không chỉ đơn thuần là hoạt động trao đổi hàng hóa, đây còn là hình thức kích cầu du lịch, thu hút du khách đến với Xá Nhè - nơi có 2 thắng cảnh hang động đã được xếp hạng là Khó Chua La và Xá Nhè.

Tương tự chia sẻ của ông Lờ A Tráng, khi trao đổi với ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tủa Chùa, chúng tôi được cho biết: Ngoài hoạt động của chợ trung tâm thị trấn, huyện xác định tiếp tục đầu tư hạ tầng cho 2 xã có chợ phiên là Xá Nhè và Tả Sìn Thàng với mục tiêu kép là nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi hàng hóa và duy trì, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của hoạt động chợ phiên vùng cao. Ðặc thù chợ phiên vùng cao vẫn trường tồn nhưng sẽ quy củ, quy mô hơn. 

Chúng tôi chia tay Tủa Chùa với nhiều cung bậc cảm xúc về những phiên chợ nơi đây nhưng điều đọng lại, cũng là niềm tin vào sự phát triển song song giữa truyền thống và hiện đại bằng lời mời của ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè: Dịp cuối năm sắp tới, khi mùa màng đã cho thu hoạch, sắc xuân đang về, bà con phấn khởi xuống chợ, mời các anh đến Xá Nhè để lại được “hẹn hò với chợ phiên xưa”.