Phát triển cây mắc ca hiệu quả, bền vững

Thứ Hai 15:10 05/10/2020

Sau gần 20 năm du nhập vào Việt Nam, kết quả khảo nghiệm và trồng thử ban đầu đã đánh giá cây mắc ca phù hợp với điều kiện sinh thái ở một số địa phương vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, mang lại lợi ích cao về kinh tế, xã hội và môi trường, có tiềm năng trở thành cây trồng mới cho sản xuất và xuất khẩu. 

Vì vậy, năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phê duyệt quy hoạch cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030. 

Đến nay, cả nước có 23 tỉnh đã trồng cây mắc ca, với diện tích hơn 16.500 ha. Trong đó, riêng hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên chiếm 15.440 ha. Về sản lượng, năm 2020 các địa phương dự kiến thu hoạch 6.570 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015 (269 tấn). Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính sẽ mang lại giá trị gần 800 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước). Về giống, đến nay đã có 13 giống mắc ca được công nhận và đưa vào sản xuất, trong đó có ba giống quốc gia và 10 giống tiến bộ kỹ thuật. Bộ NN và PTNT cũng đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch quả và sơ chế hạt cây mắc ca; xây dựng, tiêu chuẩn quốc gia về giống cây mắc ca. Hiện đã có 10 doanh nghiệp liên kết với người dân để phát triển cây mắc ca tại tám tỉnh, chủ yếu là cung cấp giống, tiêu thụ sản phẩm; một số doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến hạt mắc ca với công nghệ hiện đại, quy mô lớn tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Lai Châu và Điện Biên. Các doanh nghiệp đầu tư trồng cây mắc ca đã tạo khoản tiền công từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế hạt, đem lại mức thu nhập ổn định cho người lao động, cải thiện đời sống người dân, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. 

Có thể thấy, cây mắc ca đã có những tác động tích cực tới đời sống, thu nhập, nhận thức của người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Việc phát triển cây mắc ca trong thời gian qua có những thuận lợi là được cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương quan tâm, ủng hộ; các doanh nghiệp, người dân hưởng ứng và đã đạt được những thành công nhất định. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực và thuận lợi, việc phát triển cây mắc ca cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Đó là, điều kiện, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp; yêu cầu về địa hình, thổ nhưỡng của loài cây này có giới hạn; người dân, doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong phát triển cây mắc ca; tập quán sản xuất còn lạc hậu, khả năng tiếp cận kỹ thuật còn hạn chế. Ngân sách của Nhà nước còn giới hạn, chưa hỗ trợ được nhiều về cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp, người dân trồng, chế biến mắc ca…

Để phát triển cây mắc ca bền vững, các bộ, ngành và các địa phương cần thực hiện các giải pháp đồng bộ. Đó là, lập quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn mỗi địa phương (bao gồm giống, vùng trồng, thị trường, sản phẩm); tránh việc người dân trồng tự phát không theo định hướng và quy hoạch dễ gây ra rủi ro khi tham gia sản xuất; quản lý tốt giống cây, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân nên mua giống cây mắc ca tại các cơ sở đã được cấp chứng chỉ công nhận nguồn giống cây lâm nghiệp, cần tìm hiểu đặc tính, yêu cầu sinh thái, khả năng thích nghi của cây mắc ca đối với khu vực dự kiến trồng. Tổ chức trồng khảo nghiệm ở các tiểu vùng sinh thái khác nhau nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế tại các địa phương trước khi nhân ra diện rộng. Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất mắc ca theo hướng dẫn của Bộ NN và PTNT để bảo đảm chất lượng nguồn giống và đạt năng suất cao. Để định hướng và bảo đảm ổn định thị trường “đầu ra” cho sản phẩm mắc ca, đòi hỏi có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà nông; qua đó, tạo ra một quy trình chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thu mua, tiêu thụ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trồng cây mắc ca mang lại hiệu quả cao, phát triển ổn định và bền vững.