Việt Nam: Điểm sáng trong phục hồi kinh tế toàn cầu

Thứ Năm 14:27 08/07/2021

Ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới là Moody’s, S&P và Fitch đều đưa ra nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng trong phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh hoạ.

Theo đó, tháng 5 năm nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức trên đồng loạt nâng mức đánh giá lên “Tích cực”; kinh tế dự báo tiếp tục phục hồi tốt, tăng trưởng ổn định và là điểm đến hấp dẫn đầu tư nước ngoài hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam được cho là trung tâm của các chuỗi cung ứng đang dịch chuyển và là một trong những địa điểm sản xuất cạnh tranh nhất tại châu Á - Thái Bình Dương.

Điểm sáng mà S&P dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt trong những năm tới là vị thế điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc.

"Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến 2 năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ để kiềm chế dịch trong nước" - S&P nhận định.

Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được thành tích này kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đánh giá trên cũng đồng thời ghi nhận những nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế” trong công tác điều hành của Chính phủ Việt Nam.

Trong năm 2020, đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng trên toàn thế giới. Có 16 quốc gia bị hạ bậc trên toàn thế giới từ kết quả đánh giá của 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn toàn cầu nói trên.

Ngoài ra, tháng 3 năm nay, Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đạt khoảng 6,6% và lạm phát khoảng 4% (mức dự báo nào chưa cập nhật hết tác động của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư đang diễn biến phức tạp).

Nỗ lực trong phát triển năng lượng tái tạo và kinh tế số

Vào tháng 2, kết quả nghiên cứu mới nhất của hãng IHS Markit (Anh) cho thấy Việt Nam nằm trong danh sách các nước dẫn đầu về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở khu vực; đứng thứ 3 trong các thị trường mới nổi về chính sách thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời.

Hãng này nhận định, Australia, Nhật Bản và Việt Nam đang dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Chỉ số bổ sung năng lượng tái tạo của IHS, mạng lưới phát triển năng lượng tái tạo đã tăng vọt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khoảng 1/3 số dự án năng lượng đang được xây dựng (khoảng 80 gigawatt) để sản xuất điện gió và điện mặt trời, thủy điện và các loại năng lượng tái tạo khác ở 16 thị trường trọng điểm trong khu vực.

Australia đứng đầu chỉ số với 89% công suất đang được xây dựng là điện gió, điện mặt trời hoặc điện sinh khối. Xếp thứ 2 là Nhật Bản. Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực khi đưa ra biểu giá điện tốt để thu hút đầu tư vào điện gió và điện Mặt Trời. Tiếp theo là Hàn Quốc xếp thứ tư.

Phó Chủ tịch phụ trách năng lượng tái tạo và điện toàn cầu tại IHS Markit, Xizhou Zhou nhận xét: “Bảng xếp hạng của IHS cho thấy mức thu nhập không phải là yếu tố duy nhất quyết định mức độ sẵn sàng theo đuổi năng lượng sạch của một nước. Năng lượng tái tạo không còn là điều xa xỉ của nước giàu vì chi phí sẽ tiếp tục giảm."

Về kinh tế số, cũng trong tháng 2, tổ chức UNCTAD công bố báo cáo cho biết Việt Nam nằm trong nhóm 10 nền kinh tế đang phát triển có chỉ số thương mại điện tử B2C tốt nhất khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Tây Á; đứng thứ 9 khu vực và 63 toàn cầu.

Theo báo cáo này, châu Á vươn lên dẫn đầu các nước đang phát triển thích ứng với thương mại điện tử. 10 nước đang phát triển có điểm số B2C cao nhất đều đến từ châu Á và được xếp loại là các nền kinh tế thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình (lần lượt là Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Thái Lan, Iran, Saudi Arabia, Qatar và Oman).

Việt Nam tiếp tục lọt vào tốp 10 nền kinh tế đang phát triển có chỉ số B2C tốt nhất ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Tây Á (xếp vị trí thứ 9 ở khu vực này và thứ 63 trên toàn cầu, tăng một bậc so với năm ngoái).

Để phát triển trong dài hạn, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra một số đề xuất đối với Việt Nam. Fitch Solution nhấn mạnh 4 nội dung cần chú ý: Nâng cao trình độ, chất lượng nguồn năng lực; Nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông; Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ và tri thức; Tăng cường kiểm soát các rủi ro thị trường tài sản.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới và ARMO khuyến nghị Việt Nam cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước thông qua tiếp tục áp dụng chính sách tài khoá linh hoạt, ứng dụng, xem xét các gói kích thích mới cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19; Tăng cường giám sát thị trường, giảm thiểu nguy cơ bong bóng tài sản; Duy trì nguồn lực bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn.

Tuy nhiên, một số tổ chức quốc tế cũng cảnh báo về tác động của đợt dịch lần thứ tư đến một số ngành, lĩnh vực của kinh tế Việt Nam, đề xuất đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân, các nhóm yếu thế, tháo gỡ khó khăn hiệu quả hơn cho doanh nghiệp FDI, thuận lợi hoá hơn nữa cho đi lại, xuất nhập cảnh đối với các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài.