Hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân ở Tuần Giáo

Thứ Hai 8:56 13/06/2022

ĐBP - Được thành lập từ năm 2017, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) huyện Tuần Giáo đã trở thành kênh tín dụng quan trọng, trợ giúp cho nông dân trên địa bàn huyện phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo.

Mô hình chăn nuôi bò thương phẩm của gia đình chị Lường Thị Hiền, bản Phủ, xã Quài Nưa vay vốn Quỹ HTND huyện Tuần Giáo.

Gia đình chị Lường Thị Hiền, bản Phủ, xã Quài Cang được vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện để mua bò sinh sản. Đến nay, gia đình chị Hiền đã có 7 con bò sinh sản, mỗi năm bán 3 - 4 bê con, cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Còn với chị Cà Thị Tâm, bản Băng Sản, xã Quài Tở cũng là một trong những hộ điển hình về phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm từ nguồn vốn vay 40 triệu đồng Quỹ HTND huyện, trừ chi phí đem lại thu nhập ổn định từ 50 - 60 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Hữu Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuần Giáo cho biết: Hiện nay, huyện Tuần Giáo đã và đang thực hiện 7 dự án, mô hình chăn nuôi, trồng trọt từ vốn vay Quỹ HTND các cấp với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Quỹ HTND Trung ương Hội ủy thác có 2 mô hình (chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Pú Nhung, chăn nuôi gà đen thương phẩm tại xã Mường Mùn); nguồn Quỹ HTND tỉnh ủy thác có 1 mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại xã Quài Tở; nguồn Quỹ HTND huyện vận động thành lập được 4 mô hình với số tiền 970 triệu đồng (mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại xã Quài Nưa; mô hình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm thương phẩm tại xã Quài Tở; mô hình trồng chanh leo tại xã Chiềng Sinh và chăn nuôi bò sinh sản tại xã Quài Cang). Trong quá trình cho vay, Hội luôn chú trọng đến khâu khảo sát, chọn đúng đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh.

Qua đánh giá, khi kết thúc chu kỳ vay vốn, các dự án nộp phí và vốn đúng hạn. Định kỳ hàng quý, các tổ vay vốn dự án duy trì sinh hoạt tổ với sự tham gia của ban quản lý dự án và hộ vay để trao đổi, học tập, truyền đạt các kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia, việc thực hiện các dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội trong việc điều hành và quản lý, được các cấp ủy, chính quyền địa phương nơi thực hiện các dự án đánh giá cao, uy tín của Hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên rõ rệt, tạo niềm tin đối với nông dân. Đặc biệt là các dự án đều mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhiều hộ tham gia đã có của ăn của để, vươn lên làm giàu. Điển hình như mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Pú Nhung; mô hình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm thương phẩm tại xã Quài Tở; mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Quài Cang.