ĐBP - Nhiều năm qua, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo để về đích nông thôn mới (NTM) là “bài toán” khó với cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà. Dù đã rất nỗ lực, song do nhiều nguyên nhân, đến nay trong tổng số 6 xã cơ bản đạt chuẩn NTM của huyện thì chưa có xã nào đạt tiêu chí này.
Từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, diện mạo xã Mường Mươn có nhiều chuyển biến tích cực: Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng; hiệu quả sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được đẩy mạnh; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Dẫu vậy, đến nay xã cũng chỉ cơ bản đạt NTM với 16 tiêu chí. Đặc biệt, trong số 3 tiêu chí chưa đạt có tiêu chí về hộ nghèo.
Ông Tòng Văn Dinh, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn cho biết: Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, xã đã lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành phát động. Tuy nhiên, do là xã vùng cao, có những bản cách trung tâm xã hàng chục ki lô mét, như: Huổi Vang, Huổi Meo, Huổi Xuân, Huổi Kết Tinh... nên công cuộc giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại từ các chương trình, dự án, chính sách ưu tiên của Nhà nước, chưa tự mình nỗ lực vươn lên. Ngoài ra, xuất phát điểm thấp, điều kiện người dân khó khăn... cũng là nguyên nhân khiến việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã đến nay vẫn dang dở.
Nậm Nèn được kỳ vọng là một trong những xã về đích sớm trong lộ trình xây dựng NTM với điểm nhấn có bản Phiêng Đất B là bản đầu tiên cùng với bản Mường Anh 1, xã Pa Ham được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2021. Thế nhưng đến nay, xã cũng mới chỉ đạt 17 tiêu chí và đang nợ tiêu chí hộ nghèo. Anh Lò Văn Quỳnh, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã đã lãnh đạo nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng các nguồn đầu tư, vốn vay của Nhà nước để phát triển kinh tế. Trong đó, phát huy tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng, vừa kết hợp phát triển chăn nuôi, vừa trồng các loại nông sản như: Ngô, dong riềng. Đến nay, toàn xã có gần 150ha dong riềng, tập trung tại các bản Phiêng Đất B và Nậm Nèn 2. Tuy nhiên, giá nông sản bấp bênh, khí hậu thay đổi thất thường ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thu nhập của người dân. Để giảm hộ nghèo theo đúng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới thì cần cả quá trình chứ không thể ngày một ngày hai.
Tương tự xã Nậm Nèn và Mường Mươn, đến thời điểm này 6/11 xã ở huyện Mường Chà được công nhận cơ bản đạt NTM, thì 100% đang nợ tiêu chí số 11 về hộ nghèo và tiêu chí số 10 về thu nhập. Thống kê của UBND huyện Mường Chà, thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt gần 30 triệu đồng/năm. Mà theo yêu cầu của bộ tiêu chí đến năm 2020 phải bằng hoặc trên 36 triệu đồng/người/năm. Đối với tiêu chí hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện là 5.259/9.660 hộ, chiếm 54,44%; theo yêu cầu bộ tiêu chí là nhỏ hơn hoặc bằng 12%, như vậy tiêu chí này cũng không có xã nào đạt.
Nguyên nhân dẫn đến thực tế trên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, một phần do cơ sở vật chất, kỹ thuật và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện chưa đồng bộ; xuất phát điểm thực hiện chương trình thấp; địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thiên tai diễn biến phức tạp... Ngoài ra, việc huy động hệ thống chính trị vào cuộc của một số xã chưa thường xuyên, liên tục. Một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, xây dựng NTM cần nhiều kinh phí trong khi nguồn lực cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu của chương trình được hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, việc huy động nội lực từ sức dân gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay huyện Mường Chà đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi, vừa duy trì đàn gia súc, nhân rộng mô hình chăn nuôi bò theo nhóm, vừa phấn đấu mỗi năm tăng 5 - 7% tổng đàn. Cùng với đó, huyện tận dụng điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn người dân đưa giống cây trồng vào sản xuất. Đặc biệt, thông qua chương trình hỗ trợ giảm nghèo, huyện tiếp tục hỗ trợ, định hướng người dân chuyển đổi những vùng trồng ngô, sắn không hiệu quả sang trồng cây dứa, dong riềng, cây ăn quả... theo hướng hàng hóa nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, huyện đã và đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực, hệ thống chính trị vào cuộc để phấn đấu thực hiện lộ trình xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.