Trách nhiệm, nỗ lực hơn trong việc giữ rừng

Thứ Sáu 10:06 10/01/2020

ĐBP - Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Do đời sống người dân trong khu vực vùng đệm (các xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè) còn nhiều khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, trình độ dân trí không đều; tập quán canh tác lạc hậu… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác truyền thông về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), cũng như đặt ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng do Ban đảm nhiệm. Ðặc biệt, tình hình dân di cư tự do trong khu vực còn diễn ra; việc phá rừng làm nương, khai thác lâm sản và săn bắt thú rừng trái phép ở một số xã vùng đệm còn xảy ra, gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường và sinh thái.

Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Leng Su Sìn (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé) tham gia buổi ngoại khóa với chủ đề “Bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường” do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé phối hợp với Trường tổ chức.

Xác định làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến chính sách chi trả DVMTR là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho người dân, nhất là chủ rừng trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Trong năm 2019 Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé phối hợp với UBND các xã vùng đệm và lực lượng đóng chân trên địa bàn tổ chức 57 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến chính sách DVMTR, thu hút 2.726 lượt người tham gia. Gần đây nhất là tháng 11/2019, Ban mở 5 hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về Luật Lâm nghiệp, Nghị định 35/NÐ - CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý và sử dụng tiền chi trả DVMTR cho 200 người dân các xã vùng đệm khu bảo tồn. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu tại Trường PTDT bán trú THCS xã Chung Chải, thu hút hơn 500 học sinh tham gia. Tổ chức tuyên truyền thông qua họp thôn, bản; tuyên truyền bằng phương thức trực tuyến thông qua Website của đơn vị http://bttnmuongnhe.org.vn.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Ban chú trọng tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng. Căn cứ vào kế hoạch do các trạm quản lý bảo vệ rừng xây dựng, hàng tháng các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng chia các tổ đi tuần tra, kiểm tra khu vực của nhóm nhận khoán bảo vệ. Mỗi nhóm nhận khoán bảo vệ trước khi đi và sau khi kết thúc lượt tuần tra, kiểm tra đều báo cáo tình hình, hiện trạng rừng cho trạm quản lý bảo vệ rừng đặc dụng trên địa bàn xã. Trong năm, Ban cũng đã chỉ đạo các tổ nhận khoán tiến hành tuần tra, kiểm tra trong lâm phần Khu bảo tồn 600 lượt với 7.745 người tham gia. Qua tuần tra phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, thu nộp ngân sách 9 triệu đồng… Thông qua các biện pháp tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đưa chính sách DVMTR tới người dân tạo sự chuyển biến tích cực trong người dân tham gia bảo vệ rừng. Nhờ đó, tổng diện tích rừng Ban thực hiện bảo vệ cung ứng DVMTR đáp ứng được yêu cầu chi trả gần 34.187,1ha (trong đó, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng xấp xỉ 24.937,8ha, chiếm 73% tổng diện tích rừng; diện tích rừng đơn vị tự bảo vệ gần 9.249,3ha, chiếm 27% tổng diện rừng). Việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn đã thu hút 34 nhóm hộ, đơn vị hợp đồng bảo vệ rừng, với tổng số 1.778 thành viên tham gia nhận khoán (chưa bao gồm thành viên của các đơn vị, lực lượng vũ trang). Tích cực bảo vệ, phát triển rừng, qua xác minh các điểm biến động tăng rừng trên địa bàn được giao quản lý tháng 10/2019 cho thấy có 862,95ha đủ điều kiện thành rừng, đáp ứng các yêu cầu chi trả DVMTR. Với đơn giá chi trả DVMTR cho Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé năm 2018 là 1.219.670 đồng/ha; đơn giá Ban thanh toán tiền công cho các nhóm nhận khoán 1.097.703 đồng/ha; tổng số tiền các nhóm nhận khoán 5 xã vùng đệm nhận được hơn 30,2 tỷ đồng. Và năm 2019 các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng những xã này được tạm ứng trên 11,2 tỷ đồng (đơn giá tạm ứng 450.000 đồng/ha).

Nhờ được thụ hưởng chính sách chi trả DVMTR, cuộc sống của người dân sống bằng nghề rừng được cải thiện và nâng cao. Mường Nhé là xã có diện tích rừng được chi trả DVMTR rừng lớn nhất so với các xã vùng đệm khác với hơn 6.315,5ha; 995 thành viên của 16 nhóm hộ tham gia bảo vệ. Riêng năm 2018 đã nhận được gần 6,6 tỷ đồng tiền DVMTR và được tạm ứng năm 2019 hơn 2,8 tỷ đồng. Với cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao thì số tiền chi trả DVMTR thực sự ý nghĩa, giúp người dân góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống.