Hiệu quả chuyển đổi số trong lâm nghiệp

Thứ Năm 8:33 30/09/2021

ĐBP - Phát hiện điểm cháy rừng qua ảnh vệ tinh, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) qua tài khoản... là những bước đi đầu tiên trong việc chuyển đổi số lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta. Chuyển đổi số đã giúp giảm chi phí và giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực lâm nghiệp của cán bộ, người dân và các tổ chức.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo dõi diễn biến các điểm cháy trên hệ thống phát hiện điểm cháy qua ảnh vệ tinh.

Giảm thiệt hại do cháy rừng

Hiện nay, toàn tỉnh có 407.030,3ha rừng; tỷ lệ che phủ đạt 42,66%. Diện tích rừng lớn đồng nghĩa với việc trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) càng cao. Trong khi đó, số lượng biên chế lực lượng kiểm lâm ít, rất nhiều kiểm lâm địa bàn đang phải nhận nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng quá định mức quy định. Thời gian qua, mặc dù có sự đồng hành, sẻ chia của cấp ủy, chính quyền, các chủ rừng và người dân trên địa bàn song công tác PCCCR vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc số hóa các dữ liệu về rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCCR, giảm thiểu thiệt hại về rừng là việc làm rất cần thiết, phù hợp với thực tế địa phương. Nắm bắt được sự cần thiết này, từ năm 2017, Chi cục Kiểm lâm đã ứng dụng công nghệ xử lý ảnh vệ tinh đa thời gian (dựa vào ảnh của các vệ tinh AQUA, TERRA, JI) để phát hiện sớm các điểm cháy rừng, từ đó có phương án ứng cứu kịp thời, giảm thiệt hại.

Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việc xử lý các loại ảnh vệ tinh hiện nay đã được tự động hóa trên website của Cục Kiểm lâm http://www.kiemlam.org.vn/. Ảnh chụp từ vệ tinh tích hợp công nghệ phát hiện điểm cháy thông qua cảm biến hồng ngoại. Do đó, các vị trí được cảnh báo có tỷ lệ chính xác rất cao. Qua các thao tác kỹ thuật đơn giản, cán bộ kỹ thuật của chi cục có thể thấy được tại thời điểm đấy trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu điểm cháy. Trên cơ sở dữ liệu các điểm cháy, cán bộ kỹ thuật tiếp tục thực hiện thao tác trên máy tính để loại bỏ các vị trí cháy ngoài đất rừng, đất quy hoạch 3 loại rừng. Sau đó, cung cấp chính xác vị trí điểm cháy như: Tọa độ điểm cháy, khu, khoảnh… cho các hạt kiểm lâm và công chức kiểm lâm địa bàn để xác minh và có phương án xử lý kịp thời. Hàng năm, hệ thống phát hiện điểm cháy qua ảnh vệ tinh đã phát hiện và cảnh báo trung bình khoảng 35.000 vị trí điểm cháy. Nhờ đó, hiệu quả công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, số vụ cháy giảm mạnh và thiệt hại do cháy rừng cũng được hạn chế. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra 53 vụ cháy gây thiệt hại đến rừng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.

Đơn cử như, mùa khô năm 2020, hệ thống phát hiện đám cháy khu rừng thuộc bản Loọng Poọng (xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng). Vị trí đám cháy là điểm giáp ranh giữa 3 huyện: Điện Biên, Mường Ảng và Mường Chà, cách xa khu vực dân cư nên công tác ứng cứu rất khó khăn. Song nhờ có hệ thống phát hiện điểm cháy qua ảnh vệ tinh nên lực lượng “4 tại chỗ” của xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng đã cơ động, chủ động triển khai các phương án ứng cứu kịp thời nên đám cháy nhanh chóng được dập tắt, giảm thiểu thiệt hại về rừng.

Để nâng cao hiệu quả công tác PCCCR, đầu năm 2019, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng Dự án “Bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng tỉnh Điện Biên”. Hệ thống bản đồ này sẽ cung cấp tư liệu trực quan về nguy cơ cháy rừng cho từng đơn vị hành chính để xác định các khu vực có nguy cơ cháy cao, giúp các cơ quan quản lý chủ động đề ra các giải pháp PCCCR hiệu quả. Qua hệ thống bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng đã xác định được, tổng diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng hiện có 694.000ha với 405.000ha rừng; đã phân vùng trọng điểm cháy rừng với 34.000ha rừng ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), 273.000ha rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm), còn lại là ở cấp I, II, III.

Hiệu quả, an toàn và minh bạch

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 304.082ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Thay vì hình thức trả tiền trực tiếp như trước đây, từ năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã triển khai thực hiện chi trả tiền DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng và giao dịch thanh toán điện tử ViettelPay. Việc chi trả tiền qua tài khoản đã mang lại hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch và an toàn.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Sau thời gian thí điểm tại thị xã Mường Lay cho thấy sự hiệu quả, năm 2019, Quỹ đã triển khai việc chi trả tiền qua tài khoản tại tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Quỹ đã mở được 2.257 tài khoản cho chủ rừng để thực hiện việc chi trả tiền DVMTR. Qua 3 năm triển khai thực hiện, hình thức chi trả tiền qua tài khoản đã cho thấy sự hiệu quả, minh bạch và an toàn. Hiệu quả là giúp rút ngắn thời gian từ khi chi trả đến khi chủ rừng nhận được tiền từ 2 tháng xuống còn 15 ngày; giải phóng sức lao động của cán bộ quỹ; giảm chi phí phát sinh trong quá trình chi trả. Tính minh bạch được nâng cao, trước khi chuyển tiền, quỹ thông báo cho chủ rừng đầy đủ thông tin về diện tích, đơn giá và thời gian chi trả. Bên cạnh đó, các ngân  hàng đều có quy trình vận chuyển, chi trả tiền chuyên nghiệp, ít sai sót, nhầm lẫn nên hình thức chi trả tiền qua tài khoản ngân hàng rất an toàn. Thời gian tới, Quỹ tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và mở thêm tài khoản cho các chủ rừng đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR qua ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử ViettelPay.

Ông Sùng A Lênh, Trưởng bản Thẩm Táng, xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) cho biết: Bản có 72 hộ dân nhận bảo vệ, chăm sóc hơn 357ha rừng. Bình quân mỗi năm, cộng đồng bản Thẩm Táng nhận gần tỷ đồng tiền DVMTR. Những năm trước, chúng tôi rất vất vả trong việc thông báo người dân đến nhận tiền và hoàn thiện thủ tục chi trả DVMTR, có trường hợp phải lên tận lán nương để thông báo. Nay thực hiện chi trả qua tài khoản giúp giảm bớt nhiều khâu trung gian, mà lại thuận tiện cho dân bản. Hơn nữa, tiền để trong tài khoản ngân hàng nên rất an toàn.