Sớm “gỡ khó” tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu 8:43 22/05/2020

ĐBP - Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực thực hiện tiêu chí số 17 về “môi trường và an toàn thực phẩm”. Song đến nay, vẫn còn nhiều rào cản khiến tiêu chí số 17 là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất.

Thiếu nước sinh hoạt là một trong những thách thức để hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng NTM ở huyện Ðiện Biên Ðông. Trong ảnh: Bản Phù Lồng A, xã Pú Nhi thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.  Ảnh: Văn Tâm

Khó đạt chuẩn môi trường

Gia đình ông Quàng Văn Péng, bản Pa Cáu, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) có 13 con trâu. Hiện nay gia đình đã làm chuồng nuôi tách biệt khỏi nhà ở, không còn nhốt trâu dưới gầm sàn như thói quen trước đây song việc xử lý chất thải thì… vẫn như xưa: Dồn lại dùng làm phân bón ruộng. Ông Péng cho biết ông không biết cách xử lý mới là như thế nào? Ðây cũng là tình trạng chung của những hộ chăn nuôi trong bản, đó là chất thải, nước thải chưa có biện pháp xử lý hiệu quả để đảm bảo môi trường, trong khi riêng đàn trâu của bản đã gần 70 con, chưa kể lợn và gia cầm.

Xã Thanh Xương là xã có các tiêu chí đạt chuẩn NTM khá vững của huyện Ðiện Biên (công bố đạt chuẩn NTM tháng 8/2018), song tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm thì vẫn còn đuối. Ngoài 3 chỉ tiêu thành phần: Số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch; mai táng phù hợp theo quy hoạch; đảm bảo an toàn thực phẩm cơ bản vững thì 5 chỉ tiêu còn lại của tiêu chí số 17 vẫn còn hạn chế. Xét rộng ra toàn huyện Ðiện Biên, hiện nay có 14/21 xã đạt tiêu chí số 17 nhưng trong số đó chưa xã nào đạt vững cả 8 chỉ tiêu thành phần của tiêu chí số 17.

Ðối với một xã vùng lòng chảo Ðiện Biên như Thanh Xương có nhiều điều kiện thuận lợi mà vẫn hạn chế về tiêu chí số 17 thì các xã vùng cao, vùng sâu còn khó khăn hơn nhiều.

Ðiện Biên Ðông là huyện 30a, xuất phát điểm xây dựng NTM của các xã trên địa bàn rất thấp nên việc thực hiện các tiêu chí nói chung rất khó khăn. Trong đó tiêu chí số 17 vẫn khó đạt nhất.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðến nay, huyện mới có 2/13 xã cơ bản đạt tiêu chí số 17 là Mường Luân và Luân Giói. Riêng chỉ tiêu thành phần về “rác thải rắn được thu gom, xử lý theo quy định” thì mới có 1 xã có bể thu gom, xử lý với quy mô hộ gia đình - tự thu gom đốt hoặc chôn lấp. Còn nếu tính toàn huyện thì hiện nay chỉ khu vực thị trấn được thu gom rác thải và xử lý theo hình thức chôn lấp tập trung (khoảng 5,4 tấn/ngày); 13 xã còn lại chưa quy hoạch được bãi rác tập trung.

Tiêu chí số 17 không chỉ khó thực hiện với riêng Ðiện Biên Ðông mà là thách thức chung trong xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh. Minh chứng như huyện Mường Nhé có 2/11 xã đạt; Mường Ảng 3/9 xã; Mường Chà 4/11 xã; Tủa Chùa chưa có xã đạt.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó văn phòng Ðiều phối Chương trình MTQG về xây dựng NTM tỉnh đánh giá: Xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 55/116 xã đạt tiêu chí số 17. Về các chỉ tiêu thành phần, đạt cao nhất là chỉ tiêu về cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường (86/116 xã); tiếp đến là chỉ tiêu mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch (83/116 xã). Thấp nhất là chỉ tiêu tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường (34/116 xã) và chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP (34/116 xã). Có nhiều nguyên nhân khó thực hiện tiêu chí số 17, như: Các chỉ tiêu về môi trường vẫn mang tính chất tương đối, khó xác định, đánh giá; sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền một số địa phương về vấn đề môi trường nông thôn chưa thực sự quyết liệt; nguồn lực còn thiếu trong khi đời sống người dân còn khó khăn, ý thức của người dân còn hạn chế...

Cần giải pháp đồng bộ

Dân cư khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh phần lớn là dân tộc thiểu số, có thói quen chăn nuôi không xây chuồng trại hợp vệ sinh hoặc chỉ che chắn tạm bợ. Việc thả rông gia súc khiến chất thải vương vãi từ nhà ra đường cho đến bãi chăn thả. Thậm chí chất thải của trâu, bò xuất hiện cả trên mặt đường nhựa tại một số địa bàn đô thị. Một số khu vực vùng cao, vùng sâu vẫn còn tình trạng người dân nhốt gia súc, gia cầm ngay dưới gầm sàn. Người dân nông thôn chưa có thói quen thu gom rác thải để xử lý; nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi đều xả trực tiếp ra môi trường; các cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn còn nhỏ lẻ, xen kẽ khu dân cư, công nghệ lạc hậu... là những rào cản trong việc thực hiện tiêu chí số 17.

Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể thực hiện. Vấn đề là cách làm thế nào cho phù hợp, hiệu quả. Nậm Pồ cũng là một huyện vùng cao, biên giới song đến nay đã có 13/15 xã cơ bản đạt tiêu chí số 17. Kết quả đó có vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định về bảo vệ môi trường, đã từng bước xóa bỏ các tập quán lạc hậu của bà con dân tộc thiểu số. Từ đó ý thức giữ gìn môi trường được nâng lên, thể hiện trong mỗi hành động cụ thể như: vệ sinh nhà cửa, sử dụng nước hợp vệ sinh, thu gom rác thải đúng nơi quy định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Công Nghiệp, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Pồ khẳng định: “Ðể duy trì kết quả tiêu chí số 17 và tiếp tục phát huy trong thời gian tới thì quan trọng nhất vẫn phải thường xuyên tuyên truyền vận động bà con làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Ðồng thời nâng cao ý thức thu gom rác thải, đặc biệt là vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định. Hai nội dung này phải được các thôn, bản đưa vào hương ước, quy ước thì thực hiện mới hiệu quả.”

Một chỉ tiêu đạt thấp trong thực hiện tiêu chí số 17 là “tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP” khi đến nay toàn tỉnh mới có 34 xã cơ bản đạt.

Ông Phạm Ðình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết: “Khi chủ hộ, cơ sở có nhu cầu đánh giá, chứng nhận an toàn thực phẩm”, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá, nếu đạt yêu cầu sẽ chứng nhận sản phẩm an toàn. Thời gian qua, cấp xã triển khai cho các gia đình, cơ sở ký cam kết ATTP, nhưng để tránh hình thức, đảm bảo hiệu quả thì cần thành lập tổ giám sát cộng đồng; tổ chức tập huấn kiến thức ATTP, hướng dẫn các phương pháp bảo quản thực phẩm cho người dân. Ðòi hỏi chính quyền cơ sở phải thực sự sâu sát và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn”.

Và, như nhiều tiêu chí NTM khác, để thực hiện tốt tiêu chí số 17 các cấp có thẩm quyền cần quan tâm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ về kinh phí. Ví dụ để hỗ trợ hộ nghèo, đặc biệt khó khăn xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm, hệ thống thoát nước thải hợp vệ sinh; hỗ trợ xây bể biogas và các công trình xử lý chất thải chăn nuôi…