Mường Phăng giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới

Thứ Ba 10:21 21/07/2020

ĐBP - Năm 2018, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao. Đặc biệt, đầu năm 2020, xã Mường Phăng được sáp nhập về TP. Điện Biên Phủ, đây cũng là điều kiện thuận lợi để xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM, sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo của quá trình xây dựng NTM.

Những con đường bê tông được xây dựng góp phần thay đổi diện mạo NTM xã Mường Phăng.

Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của cuộc sống,  ông Lường Văn Nanh, bản Phăng 2, xã Mường Phăng hiểu hơn ai hết sự “thay da, đổi thịt” của mảnh đất lịch sử này, đặc biệt là sau Phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”. Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, ông Nanh cho biết: “Tôi rất tự hào và phấn khởi trước những thành quả trong xây dựng NTM của xã. Được tận mắt chứng kiến những tuyến đường liên bản được đổ bê tông rộng và đẹp; các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố… Tôi thấy đây là một chủ trương rất đúng đắn, nó như một cuộc cách mạng để đổi thay ở xã vùng cao này. Đặc biệt, sau khi được sáp nhập về thành phố Điện Biên Phủ thì quá trình xây dựng NTM của xã trong giai đoạn tiếp theo sẽ thuận lợi hơn”.

Trước đây, Mường Phăng là xã vùng ngoài của huyện Điện Biên, nằm xa trung tâm huyện. Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Mường Phăng có điểm xuất phát thấp và chưa đạt tiêu chí nào trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo 42,35%, thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng còn yếu, kém và chưa hoàn chỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức xã và lãnh đạo các bản còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng NTM. Chính vì vậy, khi triển khai thực hiện các tiêu chí còn lúng túng, chưa xác định được hết những khó khăn do yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, do địa bàn chủ yếu là đồi núi, dân cư sống rải rác; mặt bằng dân trí không đồng đều cũng gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện xây dựng NTM của xã. Nhớ lại khoảng thời gian thực hiện xây dựng NTM, ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, cho biết: Khó khăn là vậy, nhưng bằng việc bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện, xã đã xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện phù hợp với địa phương để từng bước gỡ các nút thắt trong xây dựng NTM. Điều đầu tiên, Đảng bộ, chính quyền xã xác định xây dựng NTM phải bắt đầu từ cấp thôn, bản, với sự tham gia tích cực của người dân. Do vậy, cùng với việc vận động người dân phát triển kinh tế thì xã còn tranh thủ mọi nguồn lực triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Cùng với đó, phát động phong trào thi đua, như: “Cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM”; “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”... Hưởng ứng các phong trào thi đua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã hiến công, hiến kế, đóng góp sức người, sức của; đặc biệt là đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, hiến đất vào việc xây dựng NTM. Sau 8 năm triển khai xây dựng NTM bộ mặt nông thôn xã Mường Phăng thay đổi toàn diện trên tất cả các mặt và lĩnh vực của đời sống xã hội. Năm 2018, xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM với 19/19 tiêu chí, 44/49 chỉ tiêu; thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm… Tổng kinh phí đã huy động để thực hiện Chương trình xây dựng NTM hơn 46 tỷ đồng, trong đó, người dân trong xã đóng góp được trên 2 tỷ đồng.

Việc đưa sản phẩm du lịch cộng đồng vào xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập, việc làm cho người dân trong xã.

Cũng theo ông Mùa A Kềnh, với quan điểm “giành được đã khó nhưng giữ được còn khó hơn”, không tự mãn với những gì đã làm được, ngay trong ngày đón Bằng công nhân xã đạt chuẩn NTM (tháng 5/2019), cấp ủy, chính quyền xã đã tiếp tục phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, huy động nguồn lực để tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được. Bởi việc củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM là nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo của quá trình thực hiện Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Để làm được điều này, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, xã đã lựa chọn bản Co Mận và bản Bánh để xây dựng bản NTM kiểu mẫu. Đồng thời, tập trung vào việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, kể từ khi sáp nhập về thành phố, từ đầu năm đến nay, bằng nguồn hỗ trợ của MTTQ thành phố, Thành đoàn Điện Biên Phủ đã giúp đỡ 5 hộ gặp khó khăn về nhà ở của xã có cơ hội được ở trong những căn nhà kiên cố. Ngoài ra, để nâng cao tiêu chí thu nhập, việc làm cho người dân trong xã, ngoài việc tập trung phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thì dựa trên tiềm năng lợi thế của địa phương là du lịch cộng đồng và nông nghiệp, xã đã lựa chọn 2 danh mục để xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP giai đoạn 2020 – 2025, đó là du lịch cộng đồng và sản phẩm nếp tan; từ đó tạo thành chuỗi liên kết góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân địa phương. 

Hy vọng rằng, với những việc làm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Mường Phăng và với những gì đã đạt được, đó sẽ là tiền đề quan trọng để địa phương giữ vững và nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo của quá trình xây dựng NTM.