Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người

Thứ Sáu 0:00 03/06/2016
ĐBP - 5 năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục có những diễn biến phức tạp, phần lớn nạn nhân bị bán sang Trung Quốc với thủ đoạn lừa gạt dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm, rủ đi làm ăn buôn bán, du lịch; tìm cách tạo mối quan hệ thân thiện, giả vờ yêu đương để lừa nạn nhân đi cùng về ra mắt bố mẹ, đi du lịch, sau đó các đối tượng đưa nạn nhân lên biên giới Việt - Trung thuộc địa bàn các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn… để bán cho những đối tượng bên kia biên giới. Bên cạnh đó, các đối tượng môi giới, lôi kéo và đưa người xuất cảnh trái pháp luật hoặc tự ý sang Trung Quốc để lao động làm thuê có xu hướng gia tăng, từ năm 2015 đến nay đã phát hiện 1.290 trường hợp xuất cảnh trái pháp luật sang Trung Quốc.

Để phòng, chống tội phạm mua bán người hiệu quả, lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức 334 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người tại những địa bàn trọng điểm, phức tạp về mua bán người, thu hút hơn 46.000 lượt người tham gia; tổ chức 4 lớp tập huấn tại 4 xã trọng điểm về mua bán người của huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà cho 202 cán bộ các ban ngành, đoàn thể cấp xã; tiếp tục duy trì 28 hòm thư tố giác tội phạm để nắm thông tin, giải quyết vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người và các loại tội phạm hình sự khác. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền với gần 20.000 lượt người tham gia; phát hơn 10.000 tờ rơi, duy trì ổn định hoạt động của 118 câu lạc bộ pháp luật (92 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, 14 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, 12 câu lạc bộ pháp luật cho các đối tượng khác là nông dân, thanh niên); Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phát sóng bằng tiếng phổ thông trên cả 2 hệ phát thanh và truyền hình 80 tin, bài có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn; phát sóng tiếng Mông 65 tin, bài, tiếng Thái 57 tin, bài để tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tư pháp, Tòa án Nhân dân duy trì, tổ chức phát sóng các chuyên mục truyền hình “Vì chủ quyền an ninh biên giới”, “An ninh Điện Biên”, “Nhà nước và pháp luật”…. Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Bên cạnh công tác phòng ngừa xã hội, lực lượng công an Điện Biên đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ. Từ năm 2015 đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 17 vụ, 30 đối tượng phạm tội mua bán người và mua bán trẻ em, làm rõ 23 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài. Trong đó, xác lập và phá 7 chuyên án, bắt 12 đối tượng, làm rõ và giải cứu 10 nạn nhân. Lực lượng công an, biên phòng, ngành Lao động - Thương Binh và Xã hội đã tổ chức tiếp nhận và giải cứu 71 trường hợp, trong đó: Giải cứu 14 trường hợp là nạn nhân trong vụ án mua bán người; 4 trường hợp nạn nhân bị mua bán tự trở về; tiếp nhận 53 trường hợp do công an Trung Quốc trao trả. Sau khi trở về, các trường hợp trên đều được chính quyền địa phương phối hợp cùng các ngành chức năng quản lý, theo dõi và tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ để nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người giữa Việt Nam -  Trung Quốc; Việt Nam - Lào được tăng cường. Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, nhất là công an các huyện biên giới tăng cường hợp tác với an ninh các tỉnh Bắc Lào và Công an tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong công tác phòng, chống tội phạm có liên quan, trong đó có tội phạm mua bán người và đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, khu vực biên giới và trên tuyến biên giới.

Để công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật, nhất là âm mưu, thủ đoạn của loại tội phạm này để nhân dân nâng cao cảnh giác, có ý thức tự phòng ngừa và tố giác tội phạm; tăng cường quản lý xã hội, lấy phòng ngừa làm cơ bản; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm tốt công tác quản lý địa bàn; tăng cường tuần tra, kiểm soát những khu vực tội phạm thường xuyên hoạt động... góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Trường Long

(Công an tỉnh)