Phòng, chống tội phạm mua bán người và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng còn nhiều khó khăn

Thứ Sáu 9:52 16/12/2016

ĐBP - Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, xu hướng ngày càng gia tăng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong quá trình chứng minh tội phạm.

Theo thống kê từ năm 2013 -  2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện tại địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ… xảy ra 29 vụ mua bán người, với 72 nạn nhân; bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng đã thống kê được hàng trăm trường hợp là phụ nữ, trẻ em nghi bị các đối tượng mua bán qua biên giới. Thực trạng này đang là vấn đề nóng của toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang trong dư luận, tác động xấu đến đạo đức xã hội, nhân phẩm của con người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

 

Phòng Bảo vệ chính trị (Công an tỉnh) tuyên truyền phòng, chống mua bán người và xuất cảnh trái phép tại địa bàn các xã biên giới.

Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới. Do trình độ học vấn thấp, hiểu biết hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm nên dễ bị bọn tội phạm lừa gạt, dụ dỗ, lôi kéo bằng nhiều thủ đoạn tinh vi khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát như: giúp đỡ tìm việc làm, đi làm ăn buôn bán, thăm thân, giả vờ yêu đương… sau đó đưa nạn nhân qua biên giới rồi bán cho các đối tượng ở Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép làm gái bán dâm. Cá biệt, một số đối tượng từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, khi quay trở về địa bàn dưới danh nghĩa thăm thân đã cấu kết với đối tượng trên địa bàn để lừa gạt và đưa các nạn nhân bán sang Trung Quốc.

Hầu hết phụ nữ bị mua bán phải chịu cuộc sống cực khổ ở nước ngoài, không biết tiếng bản địa, không hiểu phong tục tập quán và pháp luật của nước sở tại nên khó có thể cầu cứu các cơ quan chức năng. Một số người may mắn được cơ quan chức năng của Việt Nam, Trung Quốc phát hiện giải cứu hoặc tự trốn về nước an toàn nhưng bị ảnh hưởng về tâm lý, điều kiện vật chất để ổn định cuộc sống…

Bên cạnh đó, công tác phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng chưa được các cấp, các ngành thực sự quan tâm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân, đơn vị nào đứng ra hỗ trợ nạn nhân; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chưa được bổ sung chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; một số ngành như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội chưa được Nhà nước cấp ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề án Kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở trình UBND tỉnh phê duyệt, bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, trong đó có bổ sung chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Mặc dù chưa được phê duyệt, nhưng để hỗ trợ nạn nhân về ăn, nghỉ, tiền vé tàu xe, tư vấn tâm lý trong thời gian cơ quan công an điều tra, xác minh, hoàn tất hồ sơ của nạn nhân được lưu trú tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, hỗ trợ 18 nạn nhân bị mua bán, tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với chính quyền địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, hỗ trợ các điều kiện cần thiết, giúp đỡ các nạn nhân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, người bị mua bán trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng thì các cấp, các ngành, các đoàn thể và chính quyền địa phương phải quan tâm đến công tác phòng, chống mua bán người, coi đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, chứ không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Công an và Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời, quan tâm chỉ đạo, bổ sung nguồn kinh phí địa phương cho chương trình phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm mua bán người nói riêng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền tại các xã trọng điểm đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, các xã biên giới về công tác phòng, chống mua bán người; bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tăng cường giáo dục để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tham gia tố giác tội phạm, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, điều tra làm rõ các hành vi phạm tội; lồng ghép có hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; có chính sách ưu tiên, tạo việc làm cho nạn nhân bị mua bán trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới khó khăn; phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội…