Nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân

Thứ Tư 9:39 09/01/2019

ĐBP - Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có tác động lớn đến nhận thức và chấp hành luật của nhân dân, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Những năm qua, với việc thường xuyên được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, đội ngũ tuyên truyền viên huyện Ðiện Biên đã phát huy vai trò “nòng cốt” trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân.

 

Công an xã Thanh Hưng tuyên truyền PBGDPL cho người dân đội 14.

Năm 2018, UBND huyện Ðiện Biên tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến các văn bản pháp luật mới cho hơn 250 lãnh đạo các cơ quan, UBND các xã, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện. Trên cơ sở đó, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên từ huyện đến xã đã tổ chức trên 3.000 buổi với hơn 150.000 lượt người dự. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các văn bản mới ban hành và các quy định liên quan đến đời sống của nhân dân; các chính sách dân tộc, chương trình phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo đang thực hiện trên địa bàn huyện. Hình thức tuyên truyền chủ yếu là tuyên truyền miệng thông qua các hội nghị các cấp huyện, xã; tuyên truyền lồng ghép qua cuộc họp của các cơ quan, đơn vị, trung tâm học tập cộng đồng các xã, qua các cuộc họp thôn, bản. Năm qua, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức về: Luật Ðất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Khiếu nại... cho đội ngũ trưởng thôn, bản của 4 xã: Thanh Yên, Thanh Hưng, Pom Lót, Sam Mứn; phối hợp với Ban An toàn giao thông tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại 6 xã: Hua Thanh, Thanh Nưa, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Noong Hẹt với trên 400 lượt người tham gia; phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng các xã giới thiệu 67 chuyên đề pháp luật cho hơn 11.000 người học tập. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan lồng ghép tuyên truyền nội dung các chương trình, đề án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới với Ðề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” và đề án “ xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý”…

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ðiện Biên, cho biết: Với sự phối hợp của các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL và UBND các xã, các chính sách pháp luật của Nhà nước được truyền tải, tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân nhanh chóng, kịp thời. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng đối tượng; cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền được quan tâm, bố trí tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận pháp luật của cán bộ, nhân dân dễ dàng, đồng bộ hơn. Qua công tác tuyên truyền, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng lên. Các vụ vi phạm pháp luật về kinh tế và vi phạm pháp luật do không hiểu biết giảm; năng lực quản lý, điều hành, kỷ luật, kỷ cương trong các đơn vị, cơ quan, chính quyền cơ sở được nâng lên. Từ đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện Ðiện Biên duy trì 465 tổ hòa giải với gần 3.000 thành viên. Năm 2018, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 96 vụ, trong đó thực hiện hòa giải thành công 78 vụ. Ðến nay, toàn huyện có 22/25 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.