Buôn bán nội tạng xuyên quốc gia, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng

Thứ Sáu 9:10 01/02/2019

Một đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia theo dạng “đa cấp” lớn nhất từ trước tới nay vừa được Cục Cảnh sát hình sự (CSHS), Bộ Công an, triệt phá, với hàng trăm nạn nhân. Đáng nói, từ khi hoạt động cho đến ngày bị triệt phá, đường dây này đã thực hiện mua bán thận của hàng trăm nạn nhân, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng…

Sáng 31-1, Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục CSHS, cho biết Phòng 5 Cục CSHS phía Nam phối hợp với Phòng 6, Phòng 7, các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh vừa phát hiện, triệt phá một đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia lớn nhất từ trước đến nay.

Cầm đầu đường dây buôn bán nội tạng “khủng” này là đối tượng Tôn Nữ Thị Huyền (44 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh).

 

Đại tá Phan Mạnh Trường thông tin về vụ án.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Tôn Nữ Thị Huyền cùng bốn đồng phạm gồm Hoàng Đức Tùng (28 tuổi, quê Hà Nội), Huỳnh Linh Tâm (27 tuổi, quê Quảng Ngãi), Phạm Quang Cảnh (23 tuổi, quê Hà Nội), Nguyễn Minh Tâm (20 tuổi, quê Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi mua bán bộ phận người.

 

Đối tượng Tôn Nữ Thị Huyền - cầm đầu đường dây.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy đường dây buôn bán nội tạng xuyên quốc gia hoạt động từ tháng 5-2017 đã tổ chức mua bán thận cho khoảng 100 nạn nhân; đến khi bị phát hiện, triệt phá (ngày 21-1-2019), đường dây này đã bán thận của nhiều nạn nhân (chưa kể còn khoảng 20 người đã được các đối tượng đưa đi xét nghiệm nhưng chưa bán), thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng (trong đó, cơ quan điều tra đã thu giữ được gần 2 tỷ đồng - số tiền mà Huyền - ngay lúc bị bắt giữ - chuẩn bị cho các nạn nhân.

 

Đối tượng Tôn Nữ Thị Huyền và hai đối tượng môi giới trong đường dây.

Theo diễn biến vụ án, vào tháng 8-2018, trinh sát Cục CSHS phát hiện đường dây có dấu hiệu mua bán thận do các đối tượng là người Việt Nam cấu kết với các đối tượng nước ngoài thực hiện. Cục CSHS đã xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá, bắt giữ các đối tượng trong đường dây này.

“Đường dây này đã được các trinh sát Cục CSHS phát hiện và theo dõi trước đó, nhưng sau quá trình điều tra, triệt phá thì tất cả chúng tôi đều bất ngờ vì quy mô của đường dây này quá lớn với số nạn nhân có ở hầu như tất cả các tỉnh thành trong cả nước và nó hoạt động xuyên quốc gia…”, Đại tá Phan Mạnh Trường cho biết.

Qua quá trình điều tra, theo dõi, Cục CSHS xác định, các đối tượng trong đường dây đa số đều là người đã mua thận để ghép hoặc bán thận nên nắm rõ mọi quy trình bán thận trái phép tại nước ngoài. Trong đó, đối tượng cầm đầu đường dây Tôn Nữ Thị Huyền chính là người đã từng bán thận, sau đó trở thành người môi giới và cầm đầu đường dây này. Huyền là người quê gốc tỉnh Thừa Thiên Huế, rồi vào Đồng Nai sinh sống. Sau khi bị vỡ nợ hàng tỷ đồng, Huyền đã về TP Hồ Chí Minh liên hệ bán thận lấy tiền trả nợ và sau đó dần trở thành môi giới và hình thành đường dây tại đây.

 

 

Vết mổ của một số nạn nhân đã bán thận.

Về số nạn nhân của đường dây này, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, con cái bệnh tật nên đã bán thận để lấy tiền chữa trị cho con. Một số nạn nhân thì do thua bài bạc, cá độ bóng đá, phải đi bán thận lấy tiền trả nợ. Chưa kể còn một số là người dân tộc thiểu số ít hiểu biết đã bị dụ dỗ bán thận có nhiều tiền để trang trải cuộc sống… 

Đáng nói, khoảng thời gian trước Tết nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều người bị thúc ép về tiền bạc đã gấp rút bán thận cho đường dây này. Tính trung bình mỗi ngày có hai người lên bàn mổ bán thận. Khoảng thời gian từ lúc đăng ký đến lúc bán xong thận chỉ mất từ 1-2 tuần. Và chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, Cục CSHS đã đón 14 người từ nước ngoài về sau khi đi bán thận; đa số nạn nhân đều giấu gia đình chuyện bán thận.

Theo lẽ thường, một người hiến thận hoặc một bộ phận nội tạng sẽ được chăm sóc y tế “hậu phẫu” trong một thời gian dài sau đó, nhưng những nạn nhân này, sau mổ bán thận một tuần sẽ phải tự chịu trách nhiệm về mọi nguy cơ xảy ra với bản thân sau đó. Và chính vì không được chăm sóc, chữa trị đúng cách, các nạn nhân đều là những thanh niên trai tráng, những lao động chính trong gia đình, sau bán thận sẽ trở thàng gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Trở lại với đường dây này, để đẩy mạnh hoạt động, Huyền cùng với các đồng phạm, lên mạng xã hội như Facebook, Google tìm kiếm, tiếp cận, dụ dỗ các nạn nhân người Việt Nam bán thận. Sau khi tìm được người bán, các đối tượng trong đường dây tổ chức tuyển chọn, nuôi ăn ở, đưa các nạn nhân đi khám tổng quát tại các bệnh viện, phòng khám trong cả nước… Với những người muốn bán thận có chỉ số phù hợp với người cần mua thận để ghép, các đối tượng tổ chức đưa nạn nhân đi từ cửa khẩu biên giới qua nước ngoài để tiến hành mua bán và phẫu thuật ghép thận.

Về chi phí mỗi ca mua bán thận, ngoài việc lo hết các chi phí, mỗi nạn nhân bán thận được các đối tượng trong đường dây trả từ 200 triệu đến 210 triệu đồng. Số tiền mà nhóm này thu được từ mỗi ca bán thận thành công dao động từ 15.000 - 17.000 USD (gần 400 triệu đồng). Còn những người môi giới thành công sẽ được hưởng từ 20 - 25 triệu đồng.

Đáng nói, có thông tin cho rằng thị trường bán thận ở nước ngoài dao động khoảng 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng cho một lần bán thận để cấy ghép.

Sau quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, đến ngày 25-1-2019, Cục CSHS đã lên kế hoạch, cử các tổ công tác chốt chặn tại các cửa khẩu biên giới, mật phục và bắt giữ 5 đối tượng kể trên trong đường dây khi các đối tượng này đưa các nạn nhân bán thận ở nước ngoài trở về Việt Nam. Đồng thời, Ban chuyên án cũng mời 11 nạn nhân đi cùng về trụ sở làm việc.

Do hầu hết các nạn nhân này có hoàn cảnh khó khăn nên trước Tết, Cục CSHS đã kêu gọi, huy động CBCS quyên góp cho mỗi nạn nhân 3 triệu đồng để có tiền tổ chức cho 11 nạn nhân về quê ở các tỉnh thành: Thái Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh đón Tết cùng gia đình.

Tại Cục CSHS, các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi mua bán thận của các nạn nhân từ Việt Nam qua nước ngoài. Đặc biệt, có thông tin cho thấy đường dây này đã tổ chức mua bán thận với địa bàn hoạt động trải dài trên cả nước.

Hiện, Cơ quan CSĐT đang củng cố tài liệu chứng cứ, mở rộng điều tra vụ án để xử lý các đối tượng bị bắt giữ và các đối tượng liên quan. Cục CSHS đề nghị ai là nạn nhân trong đường dây mua bán thận này đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an trình báo.

Theo luật pháp Việt Nam, việc hiến mô tạng theo mục đích nhân đạo được cho phép nhưng phải tự nguyện, công khai và phải qua một tổ chức y tế được Nhà nước cho phép, nhưng trường hợp này là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm minh.