Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân tộc thiểu số

Thứ Sáu 8:28 29/11/2019

ĐBP - Do điều kiện đời sống người dân tộc thiểu số tại các huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật. Xác định rõ nguyên nhân đó, thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện.

Ðoàn viên thanh niên huyện Ðiện Biên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn.

Toàn tỉnh hiện có 99.648 hộ dân tộc thiểu số, trong đó còn 46.121 hộ nghèo (chiếm 97,43% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân các dân tộc thiểu số, chính quyền các cấp đã phối hợp ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trong đó chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền như: Ða dạng các hoạt động tư vấn; hướng dẫn tìm hiểu pháp luật qua thông các hình các tình huống thực tế, cụ thể; tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa văn nghệ lồng ghép tuyên truyền pháp luật; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Ngày pháp luật…. Các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục duy trì việc ký và thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp về phổ biến, giáo dục pháp luật. Ðiển hình như: Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành phổ biến pháp luật về lao động, an toàn lao động cho người lao động; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và UBND các huyện biên giới thực hiện phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân vùng biên giới; ngành Giáo dục và Ðào tạo phối hợp cơ quan chức năng tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các trường học… Một giải pháp cũng được các cấp, ngành chú trọng là mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, sau đó những người này sẽ tuyên truyền, vận động, giáo dục cho con cháu, người thân và bà con dân bản. Bên cạnh đó, việc tổ chức xét xử lưu động các vụ án tại nơi có người phạm tội, trên địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng là hình thức tuyên truyền có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ quy định pháp luật và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm của nhân dân các dân tộc.

Từ đầu năm đến nay, các ngành thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và chính quyền các cấp đã tổ chức được 7.231 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 607.790 lượt người tham dự; 3 cuộc thi tìm hiểu pháp luật  với 229 lượt người dự thi; phát hành 95.382 bản tài liệu về pháp luật; xây dựng mới 15 câu lạc bộ tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Chà, Tuần Giáo và Tủa Chùa. Một số ngành, đơn vị, địa phương điển hình trong việc thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật như: Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà… Riêng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức 72 buổi cho 3.850 lượt người nghe, tập trung vào các đối tượng di cư tự do, các đối tượng có liên quan đến hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật; vận động 44 hộ gia đình, 260 khẩu cam kết từ bỏ tà đạo “Giê Sùa”, ngăn chặn 2 vụ, 6 đối tượng truyền đạo trái pháp luật.

Ông Lê Anh Hưng, Trưởng phòng Phổ biến Giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) cho biết: Ðể công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, một số ngành, địa phương cần khắc phục tình trạng tuyên truyền dàn trải, chưa đi vào trọng tâm. Nhất là tìm giải pháp giải quyết vấn đề khó khăn hiện nay, đó là chưa có cơ chế thúc đẩy các cá nhân (cán bộ, công chức, người dân) tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Ðiều này tạo gánh nặng cho một số cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật do chưa khuyến khích, nâng cao trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật của công dân.