Nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính

Thứ Tư 8:15 18/12/2019

ĐBP - Thời gian qua, Tòa án Nhân dân tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, đảm bảo công bằng, khách quan, đúng quy định.

Tòa án Nhân dân TP. Ðiện Biên Phủ và UBND thành phố Ðiện Biên Phủ ký kết quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, vụ án dân sự. Ảnh: T.K

Theo thống kê năm 2019, Tòa án Nhân dân tỉnh đã thụ lý 34 vụ khiếu kiện hành chính, tăng 24 vụ so với năm 2018. Trong đó, án sơ thẩm 33 vụ và 1 vụ án phúc thẩm. Các vụ án hành chính chủ yếu là khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai. Người bị kiện chủ yếu là UBND, chủ tịch UBND các cấp. Trong đó địa bàn xảy ra nhiều nhất là TP. Ðiện Biên Phủ: chủ yếu liên quan đến các dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: Dự án Ðường 60m; Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m; dự án thuộc Chương trình Ðô thị miền núi phía Bắc trên địa bàn thành phố...

Án hành chính được coi là loại án khó vì liên quan nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau, nhất là Luật Ðất đai và các văn bản hướng dẫn đã và đang có nhiều thay đổi qua các thời kỳ. Ðiều này đòi hỏi mỗi cán bộ chuyên môn cần được đào tạo, tự đào tạo, học hỏi và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng… Ðến nay, trong số 34 vụ khiếu kiện hành chính, Tòa án Nhân dân tỉnh đã giải quyết, xét xử 31 vụ (đạt 91,2%). Trong đó, án sơ thẩm 33 vụ đã giải quyết, xét xử 30 vụ (đạt 90,9%); án phúc thẩm 1 vụ và đã giải quyết xong.

Trong năm 2019, có 1 vụ án hành chính bị hủy và 1 vụ án phải chỉnh sửa vì lý do chủ quan. Nguyên nhân do một số quy định của pháp luật chưa có văn bản hướng dẫn nên một số thẩm phán còn lúng túng khi áp dụng luật trong giải quyết, xét xử; trong khi đó số vụ án ngày càng tăng, tính chất vụ án ngày càng phức tạp, thẩm phán chưa đủ thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và các quy định của pháp luật do đó nhận thức và áp dụng pháp luật chưa đúng dẫn đến bản án bị hủy, sửa... Bên cạnh đó, hạn chế trong xét xử, xử lý án hành chính còn nguyên nhân do người kiện không chứng minh được chứng cứ liên quan nội dung kiện. Nhiều phiên tòa, người bị kiện hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị kiện là chủ tịch UBND thường ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia tố tụng tại tòa án. Tuy nhiên cấp phó được ủy quyền thường có văn bản xin vắng mặt nên chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích của người bị kiện tham gia phiên tòa. Việc xin vắng mặt của người bị kiện tại tòa án tuy không trái pháp luật nhưng gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, tranh luận để làm rõ các tình tiết của vụ án...

Ðể nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị 03/2018/CT-CA ngày 5/12/2018 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Theo đó, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức làm việc với Ban cán sự Ðảng UBND tỉnh thống nhất ký kết Quy chế phối hợp công tác để tăng cường trách nhiệm, tạo điều kiện hỗ trợ các bên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Trong đó có việc phối hợp nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính với các nội dung: Phối hợp trong việc cung cấp thông tin, tài liệu cho người dân và Tòa án phục vụ việc giải quyết vụ án; phối hợp tổ chức đối thoại giữa chính quyền và người dân; phối hợp tổ chức xét xử các vụ án hành chính; trách nhiệm thông báo thời gian, địa điểm, phân công cán bộ tham gia phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật. Ðồng thời, đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; tăng cường tranh tụng tại phiên tòa... nhằm nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế thấp nhất các bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa.