Cần khắc phục những hạn chế trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Thứ Hai 9:47 13/01/2020

ĐBP - Thời gian qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng. Qua đó góp phần quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; tạo sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) phổ biến pháp luật cho người dân bản Na Sang 1.

Xác định việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân đặc biệt quan trọng; do đó công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được các cấp, ngành chức năng quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này tham gia hoạt động. Ðịnh kỳ hàng quý, Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành đề cương giới thiệu văn bản luật cung cấp cho các báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và phòng tư pháp cấp huyện. Hiện nay, cấp tỉnh có 121 báo cáo viên pháp luật, 241 báo cáo viên cấp huyện và 2.263 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.

Các ngành thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong chỉ đạo, triển khai các hoạt động PBGDPL. Năm 2019, toàn tỉnh tổ chức 14.692 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp (tăng 6.977 cuộc so với năm 2018) cho hơn 1,3 triệu lượt người tham gia; tổ chức 29 cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho 16.699 lượt người tham dự; phát hành miễn phí hơn 2,6 triệu bản tài liệu PBGDPL, trong đó có 2.122 bản tài liệu đăng tải trên mạng internet. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với thực tế địa phương, như: Tuyên truyền trực tiếp, qua loa phát thanh, tờ rơi, thông qua các cuộc thi… Ðối tượng ưu tiên là người dân tộc thiểu số, thanh thiếu niên. Ðồng thời, tích cực hưởng ứng các cuộc thi do các cấp, ngành Trung ương tổ chức; các hoạt động hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9/11”. Sở Tư pháp biên soạn, phát hành 11 đề cương giới thiệu văn bản pháp luật; biên soạn và in ấn, cấp phát hơn 10.000 tờ gấp pháp luật tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ trẻ em của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thành viên chủ động tham mưu giúp Hội đồng thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho chính quyền địa phương kịp thời ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật trên địa bàn.

Một trong những khó khăn trong công tác PBGDPL thời gian qua là: Theo quy định của Luật PBGDPL, nhiệm vụ PBGDPL là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và được các ngành, các cấp thực hiện theo cơ chế bắt buộc, chưa có cơ chế thúc đẩy các cá nhân tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Ðiều đó dẫn đến việc tạo gánh nặng cho một số cơ quan Nhà nước trong khi nguồn nhân lực ngày càng tinh giản, công việc nhiều; chưa khuyến khích, nâng cao trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật của công dân nên hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chưa cao.

Ðể hoạt động PBGDPL đạt hiệu quả tốt hơn trong năm 2020 và thời gian tiếp theo, cần khắc phục những hạn chế, như: Hội đồng phối hợp PBGDPL ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế; công tác GDPL của một số cơ quan, đơn vị mới chỉ dừng lại ở việc ban hành hướng dẫn, chỉ đạo, chưa tổ chức được các hoạt động tuyên truyền cụ thể; việc chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi triển khai thực hiện kế hoạch sau khi ban hành chưa thường xuyên; một số đề án được ban hành nhưng khó triển khai thực hiện vì thiếu nguồn lực (nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất). Ðội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật các cấp tuy đã được củng cố, kiện toàn nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động còn thấp, còn hạn chế nhất định về kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nên chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.