Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Điều 11 của Thông tư quy định về phạm vi tài sản cố định tính hao mòn, khấu hao:
1. Tài sản cố định hiện có tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều phải tính hao mòn, trừ các trường hợp quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Các tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập phải trích khấu hao gồm: Tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật; tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc phạm vi quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới theo quy định của pháp luật.
3. Không phải tính hao mòn, khấu hao đối với: Tài sản cố định là quyền sử dụng đất đối với các trường hợp phải xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản quy định tại Điều 100 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; tài sản cố định đặc thù quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 Thông tư này; tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được; các tài sản cố định chưa tính hết hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị nhưng đã hư hỏng không tiếp tục sử dụng được.
4. Đối với tài sản cố định là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào hoạt động liên doanh, liên kết thì giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập để góp vốn liên doanh, liên kết được phân bổ vào chi phí liên doanh, liên kết hằng năm theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Thông tư này.
Thông tư số 23/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10-6-2023.