Công tác phòng, chống HIV/AIDS khu vực Tây Bắc còn nhiều nan giải

Chủ Nhật 16:45 14/08/2016

Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các tỉnh khu vực Tây Bắc thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy đây vẫn là khu vực có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn so với trung bình của cả nước. Nguyên nhân, là do nhận thức của người dân về HIV/AIDS còn nhiều hạn chế; thiếu hụt về nhân lực, kinh phí hạn chế... Điều đó cản trở việc mở rộng chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV tại khu vực này.

Khu vực Tây Bắc bao gồm các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và các huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Nhiều năm qua, khu vực này vẫn luôn là điểm nóng về dịch HIV/AIDS. Theo số liệu thống kê cuối năm 2015, khu vực Tây Bắc có khoảng 14,6 triệu người sinh sống, chiếm khoảng 16% số dân của cả nước, nhưng có khoảng 63.500 người nhiễm HIV, trong đó có hơn 39 người nhiễm HIV còn sống. Trung bình mỗi năm khu vực Tây Bắc có khoảng 3.000 người nhiễm mới và có từ 500 đến 800 người chết do AIDS. Theo ước tính, tỷ lệ mắc HIV tại khu vực này là 420/100 nghìn dân, cao gấp 1,5 lần so với trung bình của cả nước (280/100 nghìn dân). Đường lây truyền HIV tại khu vực này chủ yếu là do sử dụng chung khi tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, với ba nhóm đối tượng nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy (NCMT), phụ nữ bán dâm (PNBD) và gần đây là vợ, bạn tình của người nhiễm HIV đang có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, trong những năm gần, đây mặc dù tỷ lệ nhiễm HIV trong hai nhóm người NCMT và bán dâm đã giảm từ 19,3% (năm 2010) xuống còn 10% (năm 2015); nhóm PNBD từ 5,7% (năm 2010) xuống còn 3,1% (năm 2015). Tuy nhiên, số liệu này vẫn cao hơn so với tỷ lệ nhiễm HIV toàn quốc lần lượt là 9,3% và 2,7%... Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm HIV ở một số địa bàn, không còn tập trung trong nhóm nguy cơ cao như trước đây, hiện nguy cơ lây truyền HIV như dịch toàn thể.
 

Tư vấn về HIV/AIDS tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường La (Sơn La). Ảnh: KIM THOA 

Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) TS Nguyễn Hoàng Long: Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HIV tại khu vực Tây Bắc cao, là do nhận thức của người dân về HIV/AIDS còn nhiều hạn chế, nhất là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; do sự thiếu hụt về nhân lực, kinh phí hạn chế, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa... đã cản trở việc mở rộng các chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV tại tuyến xã. Điều này làm cho người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV mà ngành y tế triển khai... Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Tuyên Quang BS Tô Hoàng Sâm cho biết: Cũng như nhiều địa phương thuộc địa bàn Tây Bắc, tỉnh Tuyên Quang hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như các dự án kết thúc, kinh phí địa phương hạn chế, kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia cắt giảm nhiều dẫn đến thiếu hụt lớn về kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trong khi đó, cán bộ tham gia Chương trình phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu và yếu, nhất là kiến thức về phòng, chống HIV và kỹ năng truyền thông. Ở một số địa phương, người dân vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người NCMT, người bán dâm nhiễm HIV, vì vậy các đối tượng này thường lẩn tránh, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, cho nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều hạn chế, nhất là địa bàn rộng, phân bố dân cư rải rác làm hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, dự phòng và điều trị HIV/AIDS của người bệnh...   
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: Với số dân chỉ chiếm hơn 15% cả nước, nhưng nhiều tỉnh vùng Tây Bắc hiện đang có tỷ lệ nhiễm HIV đứng hàng đầu cả nước. Trong khi đó, các nguy cơ lây nhiễm HIV vùng này lại rất phức tạp, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, độ bao phủ của dịch vụ phòng, chống HIV cũng còn rất hạn chế. Cho nên, nếu không có những giải pháp quyết liệt thì rất khó kiểm soát được dịch HIV và ảnh hưởng đến mục tiêu chung của cả nước. Vì vậy, nhằm từng bước giảm tỷ lệ người lây nhiễm HIV, số người chết do AIDS, cũng như khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, Bộ Y tế đề nghị chính quyền các cấp cần hành động quyết liệt hơn; tiếp tục coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, trong đó tập trung vào việc kiện toàn tổ chức; đẩy mạnh vận động chính sách, cung cấp thông tin về chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS cho đồng bào, nhất là người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV; mỗi địa phương cần có những biện pháp, cách làm thích hợp bằng các hoạt động truyền thông trực tiếp đến từng đối tượng, nhóm đối tượng, nhất là nhóm có nguy cơ cao và bạn tình của họ; đồng thời đẩy mạnh công tác điều trị Methadone, vì hiện nay nhiều tỉnh chỉ tiêu điều trị Methadone còn đạt thấp như các tỉnh Nghệ An, Sơn La…
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm: Bộ Y tế hiện đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi theo hướng mở, giảm và bỏ hầu hết các thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện cao nhất cho người bệnh tiếp cận điều trị Methadone, nhưng việc đào tạo tập huấn cũng mở rộng, các cơ sở sẽ tự công bố triển khai và sở y tế các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm giám sát, quản lý. Tuy vậy, Nghị định mới cũng sẽ có điểm chặt chẽ hơn như người bệnh đã điều trị đạt liều duy trì mà vẫn sử dụng hê-rô-in, sẽ phải chuyển sang cai nghiện bắt buộc, cũng như triển khai điều trị Methadone tại các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện…
Đáng chú ý, năm 2017, PEPFAR sẽ cắt giảm tiếp 40% thuốc ARV và năm 2018 cắt toàn bộ phần hỗ trợ thuốc ARV. Như vậy, đến năm 2018 chưa có nguồn nào viện trợ ARV cho Việt Nam, cho nên giải pháp khả thi nhất trong lúc này là cần chuyển điều trị HIV/AIDS và ARV sang Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) để chi trả. Do vậy, các địa phương nhanh chóng chuyển các cơ sở điều trị HIV/AIDS vào cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, cũng như triển khai tăng nhanh tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT…