Vấn đề trẻ em lây nhiễm HIV

Cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng

Thứ Năm 8:59 29/03/2018
ĐBP - Ðược sự giới thiệu của cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Ðiện Biên, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ xây dựng nằm heo hút dưới chân đồi, thuộc đội 1, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) nơi cháu Lò Thị Oanh (12 tuổi) bị nhiễm HIV đang ở với người bác ruột. 

Khi chúng tôi có mặt tại đây cũng là lúc cháu Oanh vừa đi lấy nước ở khe suối về; mặc dù đã 12 tuổi nhưng Oanh gầy gò, nhỏ bé như học sinh lớp 1. Qua trò chuyện với bác của Oanh, chúng tôi được biết, Oanh bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ mình. Khi Oanh mới 2 tuổi thì bố mất, mẹ thì bỏ đi biệt xứ. “Tôi nuôi cháu từ khi bố nó mất. Lúc đầu gia đình không biết cháu bị nhiễm HIV; chỉ đến khi thấy cháu hay ốm, đi ngoài kéo dài liên tục gần 3 năm liền, uống thuốc mà không khỏi nên gia đình đưa cháu đi xét nghiệm máu thì phát hiện cháu đã bị nhiễm HIV. Hiện nay, hàng ngày tôi luôn phải cho cháu uống thuốc đúng giờ, tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS…” - Chị Lò Thị Giống, bác ruột của cháu Oanh nói. 

 

Chị Lò Thị Giống cho cháu Lò Thị Oanh uống thuốc kháng vi rút ARV theo phác đồ điều trị của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS.

Gia đình chị Giống rất nghèo nên việc nuôi dưỡng và chăm sóc cháu Oanh lại càng thêm vất vả. Nói về quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Oanh, chị Giống buồn rầu cho biết: Khi phát hiện cháu bị nhiễm HIV, thì ngay trong gia đình chị đã có sự xáo trộn, nảy sinh bất hòa với chồng về việc nuôi dưỡng cháu, bà con hàng xóm kỳ thị, bạn học cùng lớp xa lánh nên cháu đã bỏ học ở nhà. Hiện nay, do nhận thức của người dân được nâng lên, vì vậy việc kỳ thị, xa lánh cũng đã giảm dần; thỉnh thoảng vẫn có một vài người bạn đến chơi với cháu Oanh, giúp cháu đỡ buồn tẻ trong cuộc sống.

Khi chúng tôi hỏi Oanh, ước mơ của cháu là gì? Oanh trả lời, cháu chỉ ước mơ được sống khỏe mạnh bình thường như mọi người! Một ước mơ thật đơn giản, nhưng lại khó trở thành hiện thực; bởi hiện nay trên thế giới vẫn chưa tìm ra phương thuốc đặc trị căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Cuộc sống của Oanh kéo dài được bao lâu nữa còn phụ thuộc vào việc tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị; điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và tinh thần… Nhưng chắc chắn một điều, sức khỏe của Oanh sẽ ngày một yếu đi; và với gia cảnh khó khăn của người bác ruột hiện nay thì cuộc sống của Oanh sẽ ngày càng trở nên mong manh.

Cũng giống như trường hợp của Oanh, cháu G.Q.L. (15 tuổi), sống tại TP. Ðiện Biên Phủ, bố mất lúc L. 4 tuổi, mẹ mất lúc L. 7 tuổi nên cháu phải ở với bà nội. Chúng tôi đến thăm 2 bà cháu L. đang sinh sống tại ngôi nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở phường Tân Thanh. Thật không may cho chúng tôi, bởi cháu L. mới đi làm ăn xa ở một tỉnh khác được ít hôm, chỉ còn một mình bà nội ở nhà. Nói chuyện với chúng tôi, bà nội cháu L. chia sẻ: “Cháu nó bị nhiễm HIV từ khi còn ở trong bụng mẹ. Trong nhóm Hoa hướng dương hiện nay thì cháu là đứa còn khỏe mạnh nhất. Nhưng cháu rất ít bạn bè, tôi là chỗ dựa tinh thần duy nhất của cháu. Chỉ vì mang trong mình căn bệnh thế kỷ nên cháu phải bỏ học từ năm lớp 7. Khi còn nhỏ tôi xin cho cháu vào trường mẫu giáo nhưng nhà trường không nhận. Hiện nay cháu đã lớn, muốn đi làm kiếm tiền để giúp bà đỡ vất vả, nhưng xin việc chẳng nơi nào chịu nhận; cháu đành phải đi làm xa nhà, giấu bệnh đi thì mới xin được việc. Tôi buồn và nhớ nó lắm! Tôi chỉ mong sao sau này Nhà nước có thể tạo điều kiện để những đứa trẻ nhiễm HIV khi lớn lên chúng có việc làm…”. Bà nội của cháu L. hiện nay đã gần 70 tuổi, nhưng bà vẫn phải dành dụm từng đồng để lo thuốc thang, chăm sóc cho đứa cháu tội nghiệp. Một ngày nào đó, nếu sức khỏe của bà yếu đi, không còn đủ sức để lo cho cháu nữa, không biết L. sẽ sống ra sao, khi mà bà nội là chỗ dựa tinh thần duy nhất của L..

Thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 2.000 trẻ (dưới 15 tuổi) bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; trong đó 134 trẻ còn sống bị nhiễm HIV. Mặc dù các em đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước... nhưng vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Các em không chỉ mặc cảm với hoàn cảnh của mình, mà còn bị xã hội và chính người thân xa lánh. Sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, các em lại càng trở nên thiếu tự tin; bởi vậy các em cần phải được bảo vệ và chăm sóc. Ðể giúp trẻ em bị nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, càng cần nhiều hơn sự quan tâm, chia sẻ và có những chính sách chăm lo phù hợp.

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, ông Vũ Hải Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: Trẻ em bị nhiễm HIV ở tỉnh Ðiện Biên hiện nay chủ yếu bị lây nhiễm từ mẹ sang con; ngay từ khi mới sinh ra, các cháu đã phải chịu nhiều thiệt thòi so với những đứa trẻ khác. Hiện nay, công tác chăm sóc và điều trị cho trẻ nhiễm HIV còn gặp một số khăn như: đường sá đi lại xa xôi, những bệnh nhân ở vùng sâu khó tiếp cận dịch vụ điều trị; trình độ dân trí, nhận thức của người dân còn hạn chế; chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm… Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh và của ngành Y tế trong việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; bởi vậy số trẻ phát hiện nhiễm mới có chiều hướng giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2017 phát hiện nhiễm mới 8 trẻ, giảm 7 trẻ so với cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo ông Vũ Hải Hùng, trong tương lai các nguồn viện trợ quốc tế cho người nhiễm HIV/AIDS nói chung và trẻ nhiễm HIV nói riêng sẽ giảm dần và ngừng hỗ trợ hẳn; đây cũng là một thiệt thòi lớn đối với trẻ nhiễm HIV. Nắm bắt được điều này, vừa qua ngành Y tế tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Ðiện Biên ban hành Quyết định số 23/2017/QÐ-UBND về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế và chi phí cùng chi trả sử dụng thuốc kháng vi rút HIV đối với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trẻ bị nhiễm HIV từ 6 - 15 tuổi được hỗ trợ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế và được hỗ trợ 100% chi phí cùng chi trả. Như vậy, trẻ bị nhiễm HIV sẽ bớt đi phần nào những khó khăn trong điều trị, sử dụng thuốc kháng vi rút ARV.

Tự ti, mặc cảm với số phận là tâm lý chung của trẻ nhiễm HIV. Các em vẫn khát khao được sống, được yêu thương, đùm bọc, che chở. Hầu hết các em đều rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Nếu trẻ nhiễm HIV được chăm sóc đúng cách, được giúp đỡ kịp thời sẽ là liều thuốc tinh thần, giúp các em tự tin, mạnh mẽ hơn để sống cùng với căn bệnh. Bởi vậy, chăm sóc trẻ nhiễm HIV không chỉ là vấn đề riêng của ngành Y tế, mà rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cả cộng đồng.