Hâm nóng quan hệ đồng minh

Thứ Năm 10:11 10/08/2017
Trong nỗ lực hâm nóng một trong những mối quan hệ đồng minh lâu năm nhất của Mỹ tại Châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa có chuyến thăm chớp nhoáng tới Thái Lan. Dù chuyến đi chỉ kéo dài 5 giờ, nhưng người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ và chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã có những thảo luận trọng tâm về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, các vấn đề khu vực cũng như những trao đổi chính trị, thương mại.

Được coi là đồng minh lâu năm của Mỹ, Thái Lan là một trong số ít các nước Đông Nam Á vẫn duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại với Triều Tiên. Washington lâu nay lo ngại ngày càng có nhiều công ty xuất nhập khẩu của Bình Nhưỡng sử dụng Thái Lan như là một cánh cửa mở ra bên ngoài cho các hoạt động kinh tế.

 

Ngoại trưởng Mỹ R.Tillerson (trái) và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tại Bangkok.

Do đó, ưu tiên hàng đầu của ông R.Tillerson trong chuyến đi này là thúc giục các nước đồng minh tại Đông Nam Á có thêm hành động trong việc kiềm chế Triều Tiên. Washington muốn chính quyền quân sự Thái Lan đóng cửa các công ty được cho là bình phong tại Bangkok phục vụ các hoạt động buôn bán làm ăn của Triều Tiên với bên ngoài. Mỹ cũng đề nghị Thái Lan thắt chặt chế độ cấp thị thực nhập cảnh đối với công dân Triều Tiên, điều được Washington cho là quá dễ dãi.

Cuộc đảo chính quân sự năm 2014 đã đẩy quan hệ Mỹ - Thái Lan vào một giai đoạn lạnh nhạt. Vì vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng R.Tillerson diễn ra trong bối cảnh Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump đang tái khởi động quan hệ với Bangkok. Hồi tháng 4, Tổng thống D.Trump đã điện đàm với Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và mời ông thăm Nhà Trắng. 

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á Susan Thornton nhận định, việc Mỹ nối lại quan hệ với Thái Lan là một cách tiếp cận thực dụng nhằm tăng sức nặng cho lịch trình đối ngoại của Tổng thống D.Trump. Động thái này không gây bất ngờ bởi hai nước từ lâu đã chia sẻ lợi ích chung tại khu vực.

Trong khi đó, mối quan tâm lớn nhất của Thái Lan về an ninh là ngăn chặn sự can dự của các thế lực bên ngoài, đồng thời giảm thiểu các xung đột dân sự. Liên minh với Mỹ giúp nước này đạt được cả hai mục tiêu không bị lấn át bởi các nước lớn trong khu vực và có được sự hỗ trợ tài chính, trang bị quân sự để đối phó với nguy cơ căng thẳng trong nước do bất đồng, chia rẽ nội bộ gắn với yếu tố sắc tộc.

Về phần mình, lợi ích của Mỹ ở xứ Chùa vàng về cơ bản không thay đổi kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Thái Lan hiện được coi là một phần trong chiến lược của Washington nhằm tạo đối trọng và tăng cường sự hiện diện ở khu vực. Vị trí địa lý thuận lợi của Thái Lan giúp Mỹ "phóng" tầm ảnh hưởng trên nhiều hướng.

Dù Washington không có lực lượng lớn binh sĩ đồn trú ở Thái Lan, song chính quyền Bangkok cho phép Mỹ tiếp cận căn cứ không quân U-Tapao từng là trung tâm hỗ trợ trong các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Ngoài ra, Mỹ cần thắt chặt quan hệ với Thái Lan như một bước đi nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường quan hệ với Châu Á và ASEAN trong bối cảnh nước này đã từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Do đó, bất chấp những thăng trầm trong quan hệ song phương, từ việc Mỹ giảm quy mô các cuộc tập trận đến cắt bớt hỗ trợ tài chính cho Thái Lan, hay hệ quả của cuộc đảo chính quân sự năm 2014, những lợi ích song trùng giữa hai nước vẫn chưa thay đổi. Cả Washington và Bangkok đều muốn duy trì một Thái Lan ổn định, thống nhất.

Chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Tillerson đã một lần nữa cho thấy, Mỹ vẫn cần quốc gia Đông Nam Á này nhằm tăng cường sự hiện diện tại Châu Á - Thái Bình Dương.