Tây Ban Nha kiểm soát quyền lực xứ Catalonia:

Vòng xoáy bất ổn mới

Thứ Hai 10:59 23/10/2017
Sau cuộc họp khẩn với nội các ngày 21-10, Chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định sẽ kiểm soát quyền lực của cơ quan lập pháp vùng Catalonia, giải tán chính quyền khu vực và tiến hành bầu cử sớm nhằm ngăn chặn kế hoạch tách khỏi Tây Ban Nha của khu vực tự trị này.

Việc chấm dứt nỗ lực giành độc lập của các nhà lãnh đạo Catalonia, sẽ được thực hiện theo Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha. Đây là lần đầu tiên trong 4 thập niên qua, chính quyền Madrid sử dụng Hiến pháp để giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nhấn mạnh, Madrid không có sự lựa chọn nào khác, bởi chính quyền khu tự trị Catalonia đã hành động "đơn phương, đi ngược lại luật pháp và tìm kiếm sự đối đầu" khi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập. Dự kiến, Thượng viện Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu thông qua các biện pháp này vào ngày 27-10. 

 

Hàng trăm nghìn người đã xuống đường tại Barcelona sau khi chính quyền Tây Ban Nha công bố kế hoạch chấm dứt nỗ lực giành độc lập của khu vực này.

Cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của Catalonia diễn ra ngày 1-10 đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ khi nền dân chủ tại nước này được tái lập năm 1975. Ngày 17-10, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Catalonia là vô giá trị. Chính phủ Tây Ban Nha cũng ra điều kiện sẽ không đình chỉ quyền tự trị của Catalonia nếu lãnh đạo vùng từ bỏ nỗ lực thúc đẩy độc lập. Tuy nhiên, trong bức thư gửi Thủ tướng M.Rajoy ngày 19-10, Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont từ chối trả lời rõ ràng việc vùng Catalonia có đơn phương tuyên bố độc lập hay không, thậm chí còn "đe dọa" nếu chính quyền Tây Ban Nha tiếp tục trấn áp và từ chối đối thoại thì Catalonia sẽ độc lập. 

Ngay khi Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra thông báo, Thủ hiến C.Puigdemont đã tuyên bố người dân vùng lãnh thổ này không chấp nhận các biện pháp mà chính quyền trung ương Madrid đưa ra. Phát biểu trên truyền hình, người đứng đầu vùng Catalonia cho rằng, Chính phủ Tây Ban Nha đã "không tôn trọng luật pháp". Ông C.Puigdemont yêu cầu cơ quan lập pháp Catalonia triệu tập phiên họp toàn thể để thảo luận cách thức chống lại các biện pháp mà chính quyền trung ương Madrid đưa ra. Trong khi đó, hàng trăm nghìn người tại Catalonia đã đổ ra đường phố của Barcelona để biểu tình phản đối.

Nhiều nhà phân tích đánh giá, phe ly khai ở Catalonia đang muốn Chính phủ Tây Ban Nha áp dụng Điều 155 Hiến pháp, bởi khi đó đa số dân chúng vùng Catalonia sẽ phản đối dữ dội và có thể chuyển sang phản kháng bằng chiến thuật biểu tình đường phố quy mô lớn. Khi cả triệu người dân Catalonia xuống đường thì đó sẽ là một sức mạnh chính trị không thể xem nhẹ.

Cuộc khủng hoảng căng thẳng và ngày càng leo thang tại Catalonia làm dấy lên hàng loạt lo ngại về tình trạng bất ổn xã hội, sự đi xuống của nền kinh tế. Từ đầu tháng 10 đến nay, đã có khoảng 700 doanh nghiệp rời bỏ hoặc tuyên bố sẽ rời trụ sở khỏi vùng Catalonia do lo ngại, nếu tuyên bố độc lập thì vùng này sẽ bị loại khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Trước mắt, ngân sách của Catalonia đã bị phong tỏa và theo dự báo, đến hết tháng 10-2017, chính quyền vùng sẽ không còn năng lực hoạt động về mặt tài chính.

Tây Ban Nha cũng bị tác động rất nặng nề bởi Catalonia là vùng giàu có, năng động, đóng góp 20% GDP và là nơi thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất. Với Liên minh Châu Âu (EU), dù khẳng định đây là vấn đề nội bộ, Tây Ban Nha phải tự giải quyết, song cũng xuất hiện những lo ngại cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ lan sang các nước khác trong EU. Lo ngại lớn hơn là hiệu ứng dây chuyền về sự nổi lên của các phong trào, đảng phái theo đuổi chủ nghĩa dân tộc và ly khai trong nội bộ nhiều quốc gia thành viên.

Và như vậy, con đường đòi độc lập của Catalonia đang đẩy đất nước Tây Ban Nha và khu vực này vào vòng xoáy bất ổn mới.