Đàm phán Brexit: Lộ trình nhiều trở ngại

Thứ Tư 9:38 18/04/2018
Đúng với kế hoạch, vòng đàm phán về hợp tác thương mại giai đoạn sau khi Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit, đã chính thức khởi động vào ngày 16-4 tại Brussels (Bỉ) và sẽ được tổ chức 2 tuần một lần trước Hội nghị Thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới. Tương tự những gì diễn ra kể từ khi cuộc đàm phán Brexit đầu tiên khởi động vào năm 2017, giữa Anh và EU vẫn tồn tại nhiều bất đồng chưa thể giải quyết.

Theo lộ trình được lập ra từ trước, nước Anh sẽ rời EU vào tháng 3-2019 và được hưởng giai đoạn chuyển tiếp cho tới cuối năm 2020 với các quyền lợi, nghĩa vụ như khi còn là một thành viên của EU. Sau đó, một mối quan hệ mới giữa hai bên sẽ chính thức bắt đầu. Để giúp cho đàm phán được suôn sẻ, trước đó, lãnh đạo của 27 nước EU đã thông qua quan điểm chung cho các cuộc đàm phán về thương mại giữa hai bên. Theo đó, EU đề nghị với Anh một thỏa thuận tự do thương mại rộng rãi cũng như vạch ra những giới hạn rõ ràng về việc Anh có thể tiếp cận một số ngân hàng của Anh ở Châu Âu. Đây là lần đầu tiên EU đưa ra một thỏa thuận thương mại nhằm nới lỏng quan hệ kinh tế thay vì thắt chặt hơn. Tuy nhiên, dự thảo thỏa thuận này còn xa mới đạt đến một hiệp định mà phía Anh đang tìm kiếm.

 

Các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU còn nhiều bất đồng.

Bên cạnh đó, tiến bộ đạt được trong các cuộc thảo luận về vấn đề tương lai đường biên giới Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland còn quá khiêm tốn. Bản thân Thủ tướng Anh Theresa May, trong một tuyên bố mới đây cũng thừa nhận, đường biên giới Bắc Ireland vẫn là vấn đề vướng mắc trong các cuộc đàm phán Brexit. EU hiện đã chuẩn bị một cơ chế khẩn cấp cho phép tiếp tục can thiệp vào thương mại tại Bắc Ireland sau Brexit. Tuy nhiên, Anh phản đối ý kiến trên vì cho rằng, điều này sẽ làm suy yếu liên kết của Bắc Ireland với phần còn lại của xứ sở Sương mù. 

Ngoài ra, London vẫn giữ nguyên quan điểm về việc sử dụng các công nghệ mới nhất để kiểm tra biên giới một cách liền mạch. Dù vậy, EU đã bác bỏ ý tưởng này vì cho rằng một đường “biên giới số” là không thực tế. Hiện tại, Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh David Davis đang nỗ lực thúc đẩy đạt được nhiều thỏa thuận chi tiết nhất có thể về quan hệ tương lai giữa Anh và EU trước thời điểm xứ sở Sương mù chính thức ra khỏi liên minh. Nếu không đạt được sự đồng thuận trong những điểm lợi ích mấu chốt, khả năng Nghị viện Anh có thể phủ quyết dự thảo thỏa thuận Brexit là rất cao.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie, Anh sẽ thiệt hơn EU nếu không đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Trong đó, 4 ngành chế tạo chủ chốt của Anh gồm: Ô tô, công nghệ, y tế và hàng tiêu dùng sẽ thiệt hại 17 tỷ bảng (23 tỷ USD) kim ngạch xuất khẩu hằng năm nếu quan hệ thương mại giữa nước này và EU được áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như trước đây. 

Lý do vì thị trường EU chiếm tới 49% kim ngạch xuất khẩu của 4 ngành chế tạo chủ chốt trên ở Anh, trong khi xứ sở Sương mù chỉ nhập khẩu 9% kim ngạch hàng hóa các ngành trên từ EU. Viện Giám đốc (IoD), một trong những nhóm vận động hành lang doanh nghiệp hàng đầu ở Anh, cũng khuyến cáo London cần duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với EU kể cả sau Brexit. Theo IoD, lãnh đạo doanh nghiệp ở Anh nhìn thấy nhiều tiềm năng 5 năm tới khi EU vẫn được dự đoán là khu vực tăng trưởng cao nhất. 

Trước những diễn biến mới, nhiều nghị sĩ thuộc Ủy ban của Quốc hội Anh chuyên trách giám sát vấn đề Brexit đã đề xuất trì hoãn thời hạn Brexit, đồng thời kéo dài thời kỳ chuyển đổi để có thêm thời gian đàm phán và để các doanh nghiệp Anh làm quen với mô hình mới. Nếu không, lộ trình Brexit sẽ khó có thể hoàn tất đúng thời hạn mà vẫn bảo đảm lợi ích cho cả hai phía.