“Hiến pháp” của biển Caspian - Thỏa thuận lịch sử

Thứ Ba 10:49 14/08/2018

Sau hơn hai thập kỷ xem xét, đàm phán, lãnh đạo 5 nước là Nga, Azerbaijan, Turkmenistan, Kazakhstan và Iran đã đặt bút ký công ước mang tính bước ngoặt về quy chế pháp lý của biển Caspian tại Hội nghị Thượng đỉnh vùng Caspian lần thứ V, vừa diễn ra tại thành phố cảng Aktau (Kazakhstan). Đây được coi là điểm sáng lớn trong việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng tại vùng nước nằm ở ranh giới châu Âu và châu Á.


Lãnh đạo 5 nước vùng biển Caspian ký thỏa thuận lịch sử giải quyết các tranh chấp tại khu vực.

Quy chế của vùng biển Caspian giàu khoáng sản, thực chất là hồ nước khép kín lớn nhất thế giới, đã được quy định trong thỏa thuận giữa hai nước duy nhất có lối ra biển Caspian trước đây là Iran và Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã dẫn tới sự hình thành nhà nước thừa kế chính thức là Nga và 3 quốc gia độc lập khác bên bờ biển gồm Turkmenistan, Kazakhstan và Azerbaijan. Từ năm 1996, 5 nước trên đã tiến hành đàm phán về quy chế mới cho vùng biển này. Sự phức tạp trong việc xác định tình trạng pháp lý của biển Caspian liên quan tới việc vùng nước này được công nhận là biển hay hồ, theo đó sẽ áp dụng các nguyên tắc và quy định tương ứng của luật pháp quốc tế.

Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev gọi văn kiện với chữ ký của 5 nguyên thủ quốc gia là bản "Hiến pháp" của biển Caspian. Tương ứng với công ước này, phần mặt nước biển Caspian chia thành các vùng nội địa, vùng khu vực, vùng đánh cá và vùng nước chung, còn đáy biển và lòng đất dưới Caspian được phân chia cho các quốc gia theo thỏa thuận trên cơ sở luật pháp quốc tế. Quy chế cũng định ra ranh giới của vùng trời trên biển Caspian. Đặc biệt, văn kiện này cấm sự hiện diện của các lực lượng vũ trang ngoài khu vực và 5 nước có trách nhiệm duy trì an ninh hàng hải, quản lý các nguồn tài nguyên để bảo đảm việc sử dụng biển Caspian chỉ nhằm mục đích hòa bình.

Ngay sau khi công ước được ký kết, cả 5 nhà lãnh đạo đồng loạt lên tiếng ca ngợi đây là một văn kiện lịch sử, đạt được dựa trên sự đồng thuận cao của các bên. Tuy chưa thể hóa giải toàn bộ bất đồng giữa các nước trong khu vực, song văn kiện đã đặt ra một quy chế pháp lý vốn thiếu vắng trong suốt một phần tư thế kỷ qua. Văn bản này cũng làm giảm phần nào căng thẳng tại vùng biển mà trữ lượng dầu hỏa ước tính có thể lên đến 50 tỷ thùng, còn khí đốt được thẩm định có đến 300.000 tỷ mét khối. Đồng thời, văn kiện mở đường cho các thỏa thuận hợp tác khác trong lĩnh vực quân sự, hàng hải, kinh tế...

Một trong những lĩnh vực được trông đợi nhất sau khi các nước đạt được Công ước về quy chế pháp lý biển Caspian là các dự án đầy hứa hẹn về thăm dò năng lượng, khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên quy mô lớn. Nổi bật là dự án đường ống dẫn đặt dưới đáy biển, có thể vận chuyển khí tự nhiên từ Turkmenistan qua ngả Azerbaijan để xuất khẩu sang châu Âu, cho phép cạnh tranh với Nga ở các thị trường phương Tây. Bù lại, Mátxcơva có được một số lợi ích như chứng minh tính hiệu quả của bộ máy đối ngoại và ngăn các nước khác xây dựng căn cứ hải quân tại khu vực; trong khi Tehran có thể dựa vào quy chế mới của Caspian để đề xuất những dự án chung với nước Hồi giáo Azerbaijan.

Các chuyên gia nhận định, cần có thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả của văn kiện vừa đạt được giữa 5 quốc gia vùng biển Caspian. Song, việc đàm phán và đi đến ký kết thỏa thuận quan trọng này có ý nghĩa không nhỏ trong việc khuyến khích các quốc gia nỗ lực giải quyết các vấn đề kéo dài, ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm tàng và phức tạp thông qua đàm phán, đối thoại, xây dựng bộ khung pháp lý nền tảng tuân thủ luật pháp quốc tế và dựa trên cơ sở các bên cùng có lợi.