Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung: Bao giờ hạ nhiệt?

Thứ Tư 14:31 03/10/2018

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã nóng lên khi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới áp đặt các mức thuế suất mới nhằm vào hàng hóa nhập khẩu của nhau. Từ phía Mỹ là thuế suất 10% áp đặt lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực ngày 24/9. Đáp trả, Trung Quốc đã áp thuế với 60 tỷ USD giá trị hàng hóa của Mỹ.

 

Giới phân tích và các nhà bình luận đã tranh luận sôi nổi về việc ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này và ảnh hưởng mà nền kinh tế toàn cầu phải hứng chịu. Các nhà nghiên cứu đứng trên những góc nhìn khác nhau khiến cho cuộc tranh luận vẫn chưa thể ngã ngũ và không thể chốt lại được Mỹ hay Trung Quốc sẽ thua trong cuộc chiến này. Điều rõ ràng nhất mà tất cả phải thừa nhận là những tổn thất với không chỉ Mỹ và Trung Quốc mà là cả nền kinh tế toàn cầu phải gánh chịu.

Các nhà phân tích cũng có lý do rõ ràng để lý giải tại sao cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa thể phân định thắng thua vào lúc này. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, cuộc chiến này mới ở giai đoạn đầu khi mới chỉ bắt đầu từ đầu tháng 7 vừa qua. Hay nói một cách khác, hiện chưa đủ thời gian và những dữ liệu kinh tế để đánh giá những ảnh hưởng thực sự tới nền kinh tế của cả 2 nước. Những tác động sẽ rõ nét hơn và được thể hiện cụ thể qua những báo cáo và thống kê kinh tế vào cuối năm nay.

Dường như, trong thời gian trước mắt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa thể hạ nhiệt khi mà giới phân tích cho rằng nhờ đòn bẩy từ các thỏa thuận thương mại với Canada, Mexico và Hàn Quốc, Mỹ có thể thắt chặt chính sách với Trung Quốc.

Cuối tuần trước, Mỹ và Canada đã đạt thỏa thuận vào phút chót để thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bằng Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). Việc này đã cứu vãn khu vực có quy mô thương mại 1.200 tỷ USD khỏi nguy cơ sụp đổ sau gần một phần tư thế kỷ tồn tại.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký được thỏa thuận thương mại tự do. Các cuộc đàm phán song phương giữa Washington và Tokyo cũng đã bắt đầu.

Với các tiến triển này, Deborah Elms - Giám đốc Asian Trade Centre cho rằng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer giờ có thể “tập trung toàn bộ cho Trung Quốc”. “Ông ấy muốn giải quyết vấn đề với Trung Quốc. Các vấn đề khác chỉ là sự sao nhãng với công việc thực sự mà thôi. Với tầm quan trọng của Lighthizer về các chính sách thương mại của Mỹ, đây là xu hướng đáng lo ngại cho Trung Quốc”.

Một số chuyên gia cho rằng hoạt động kinh tế đi xuống do tác động từ thuế nhập khẩu có thể khiến Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận với Mỹ. Dù vậy, nhiều người vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ và sẽ đáp trả bằng các rào cản chính sách với doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại đây.

Patrick Perrett-Green - chiến lược gia tại AdMacro đồng tình với quan điểm đầu tiên. Ông khẳng định Washington hiện “có thể tập trung toàn bộ sự giận dữ vào Trung Quốc. Cuộc chiến sẽ ngày càng khốc liệt”.

Trong khi đó, phía Trung Quốc sẽ không ngồi yên để Mỹ áp thuế suất. Ngoài những đòn đáp trả, Bắc Kinh cũng có những biện pháp củng cố nền kinh tế của mình. Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẽ quyết định phạm vi và tốc độ mở cửa nền kinh tế để phù hợp với lợi ích trong nước và diễn biến tình hình.

Điều mà nhiều nhà phân tích thấy rõ ràng nhất là Mỹ sẽ không thắng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ít nhất là vào lúc này. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ chiến thắng. Cả hai nền kinh tế sẽ phải chịu tổn thất nếu cuộc chiến thương mại leo thang, kéo theo đó là những căng thẳng lan sang các lĩnh vực khác như an ninh. Chính quyền Mỹ muốn một cuộc “cạnh tranh thương mại không khoan ngượng”, trong khi Trung Quốc sẵn sàng đáp trả.