Trẻ em: Nạn nhân dễ tổn thương nhất của ô nhiễm không khí

Thứ Năm 15:33 01/11/2018

Hàng ngày có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (1,8 tỷ em) hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Học sinh tiểu học ở Lahore, Pakistan đến trường trong bầu không khí mù mịt khói bụi.

Lần đầu tiên Hội nghị toàn cầu về ô nhiễm không khí và sức khỏe diễn ra tại trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva, Thụy Sĩ. Đây được coi là cơ hội để các nhà lãnh đạo trên thế giới và những người đứng đầu các tổ chức liên chính phủ cam kết hành động chống lại mối đe dọa nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, nguyên nhân dẫn đến cái chết của gần 7 triệu người mỗi năm.

Đáng lo ngại

Báo cáo mới của WHO mang tên “Ô nhiễm không khí và sức khỏe trẻ em: Kê đơn không khí sạch” công bố ngày 29-10 vừa qua cho biết: Hàng ngày có khoảng 93% trẻ em trên thế giới dưới 15 tuổi (1,8 tỷ em) hít thở bầu không khí ô nhiễm khiến cho sức khỏe và sự phát triển của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ước tính năm 2016, có khoảng 600.000 trẻ em qua đời do nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính dưới gây ra bởi không khí ô nhiễm. Báo cáo cũng đánh giá tác động tiêu cực của cả ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà đối với sức khỏe của trẻ em, nhất là tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Đối với phụ nữ mang thai, khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm, họ có nhiều nguy cơ sinh non, đồng thời trẻ sinh ra nhỏ và nhẹ cân. Không khí ô nhiễm cũng tác động xấu đến sự phát triển trí não, khả năng nhận thức và có thể gây ra nguy cơ bị hen suyễn và ung thư ở trẻ em. Trẻ em tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao có thể có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch trong những giai đoạn sau của cuộc đời.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết trẻ em đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí là do chúng thở nhanh hơn người lớn và hấp thụ nhiều chất gây ô nhiễm hơn. Trẻ em cũng sống gần mặt đất hơn, nơi một số chất ô nhiễm đạt đến nồng độ đỉnh. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường ở nhà, nếu gia đình sử dụng các loại nhiên liệu như củi và dầu hỏa để nấu ăn, sưởi ấm và thắp sáng, trẻ nhỏ sẽ tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao hơn.

Cần giải pháp tối ưu

Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, WHO kêu gọi ngành y tế phải thực hiện các biện pháp thông tin, giáo dục, cung cấp phương tiện cho các chuyên gia y tế và tham gia vào việc phát triển các chính sách liên ngành.

WHO cũng kêu gọi tất cả các quốc gia phải nỗ lực thực hiện các nguyên tắc toàn cầu về đảm bảo chất lượng không khí do WHO khuyến cáo, nhằm cải thiện sức khỏe và sự an toàn cho trẻ em. Để đạt được mục tiêu này, các chính phủ cần áp dụng các biện pháp như giảm sự phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch trong gói năng lượng toàn cầu, đầu tư để cải thiện hiệu quả năng lượng và tạo điều kiện cho sự phát triển năng lượng tái tạo. Quản lý chất thải tốt hơn có thể góp phần làm giảm lượng chất thải bị đốt cháy trong cộng đồng và do đó giảm ô nhiễm không khí.

Việc sử dụng hiệu quả các công nghệ và nhiên liệu không gây ô nhiễm trong nấu ăn tại các gia đình, trong sưởi ấm và chiếu sáng có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí trong các gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu sự tiếp xúc của trẻ em đối với không khí bị ô nhiễm, trường học và nhà trẻ phải được bố trí ở xa các nguồn ô nhiễm không khí như đường giao thông, nhà máy hay các nhà máy điện.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời phó giáo sư Steve Yim Hung-lam thuộc trường Đại học Trung văn Hồng Công, khuyến nghị: “Chúng ta không nên chỉ quan tâm đến vấn đề sức khỏe, chất lượng không khí hoặc sản xuất nông nghiệp. Chúng ta cần xem xét tất cả khía cạnh và chọn ra giải pháp tối ưu nhất nhằm giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc”.