Căng thẳng Pakistan - Ấn Độ: Trông chờ giải pháp ngoại giao và đối thoại

Thứ Hai 15:23 04/03/2019

Sau khi mở cửa lại không phận và trao trả cho Ấn Độ phi công bị các lực lượng nước này bắt giữ, Bộ trưởng Đường sắt Pakistan Sheikh Rashid Ahmed thông báo, hôm nay (4-3) sẽ nối lại hoạt động vận tải đường sắt giữa nước này với Ấn Độ. Tuy nhiên, sau vài giờ ngừng bắn, ngày 3-3 giao tranh lại tái diễn nhằm vào dân thường cũng như các binh sĩ đồn trú dọc Đường Kiểm soát (LOC) ở khu vực tranh chấp Kashmir, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, theo PressTV.

 

Tàu Samjhauta Express chờ đợi khởi hành từ Ấn Độ đến Pakistan sau khi hai nước đồng ý bắt đầu nối lại hoạt động vận tải đường sắt

Dễ tái bùng phát 

Phát biểu với báo giới ngày 2-3, Bộ trưởng Ahmed cho hay, tàu Samjhauta Express sẽ hoạt động trở lại từ ngày 4-3, cung cấp dịch vụ vận tải trên tuyến đường sắt nối liền thành phố Lahore của Pakistan với thành phố biên giới Atari của Ấn Độ. 

Việc trả tự do cho phi công Ấn Độ được cho là một “cử chỉ hòa bình” của Pakistan nhằm hạ nhiệt căng thẳng gia tăng với nước láng giềng, sau khi hai bên có những hành động quân sự đáp trả lẫn nhau tại khu vực tranh chấp Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hôm 14-2 làm ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, xung đột Pakistan và Ấn Độ có thể bùng phát trở lại bất cứ khi nào. Nguyên nhân chính là do Chính phủ Pakistan tuy luôn phủ nhận cáo buộc hỗ trợ cho các nhóm khủng bố, nhưng những nỗ lực trấn áp khủng bố tại quốc gia Nam Á này thời gian qua được cho là chưa đạt được hiệu quả.

Ngày 2-3, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định, New Delhi sẵn sàng hỗ trợ Pakistan đối phó với mối đe dọa khủng bố trên lãnh thổ quốc gia láng giềng này. Nếu cần giúp sức để đối phó với khủng bố, Pakistan có thể nhờ tới sự hỗ trợ của Ấn Độ. Người đứng đầu Bộ Nội vụ Ấn Độ cũng cho rằng, hoặc Pakistan sẽ phải tự diệt trừ khủng bố trên lãnh thổ của mình hoặc các cơ sở khủng bố sẽ bị xóa sổ khỏi Pakistan và không lực lượng nào có thể ngăn chặn điều này. 

Các nước nỗ lực con thoi 

Trước đó ngày 2-3, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi tuyên bố, Pakistan tin rằng, việc giải quyết các vấn đề với Ấn Độ thông qua kênh ngoại giao và đối thoại là một hoạt động cần thiết và là phương châm quốc phòng hàng đầu, thay vì sử dụng quân sự. Ngoại trưởng Qureshi cho hay, Nga đã đề nghị làm trung gian nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa nước này với Ấn Độ và Islamabad sẵn sàng chấp thuận lời đề nghị trên, song không rõ quyết định từ phía New Delhi. Ông Qureshi cũng nhấn mạnh, Pakistan mong muốn hòa bình và chiến tranh không phải là giải pháp cho các vấn đề. Tuy nhiên, theo Sputnik News ngày 1-3, New Delhi không cho rằng cần có bên thứ 3 làm trung gian hòa giải căng thẳng với Pakistan.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel An Joubeir ngày 3-3 dự kiến sẽ tới Pakistan và sau đó là Ấn Độ nhằm tìm cách giảm thiểu căng thẳng, trong khi một phái đoàn Trung Quốc cũng dự kiến đến hai nước trên vào tuần này.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), tổ chức lớn nhất thế giới bao gồm các quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo, ngày 2-3, cũng đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Ấn Độ và Pakistan giảm leo thang căng thẳng và giải quyết các vấn đề song phương thông qua các biện pháp hòa bình. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan cho hay, tại cuối cuộc họp ở thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), tổ chức OIC bao gồm 57 nước “đã tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với người dân Kashmir trong sự nghiệp chính đáng của họ”. 

Bất đồng giữa hai nước chưa được giải quyết khiến cộng đồng thế giới lo ngại. Kịch bản hai nước có vũ khí hạt nhân xung đột quân sự với nhau luôn là cơn ác mộng, bởi không ai dám loại trừ khả năng vũ khí hủy diệt sẽ được sử dụng.