Gia hạn Brexit đến 30-6: Chính trường Anh rơi vào khủng hoảng toàn diện

Thứ Sáu 15:14 22/03/2019

Vấn đề nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), gọi là Brexit, chiếm thời lượng quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU, diễn ra trong hai ngày 21 và 22-3. 

EU tỏ thiện chí

Nội dung ngày họp đầu tiên là những tiến triển mới nhất liên quan đến thực thi điều 50 Hiệp ước Lisbon về việc Anh rời khỏi EU trong bối cảnh nước này sẽ chính thức rời khối vào ngày 29-3, nhưng London muốn có thêm thời gian để thông qua thỏa thuận cho phép cuộc ra đi diễn ra có trật tự.

Trong thư mời các lãnh đạo đến dự họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết ông đã nhận được thư của Thủ tướng Anh Theresa May nêu rõ 2 yêu cầu, gồm EU thông qua tài liệu bổ sung giữa Anh và Ủy ban châu Âu (EC) theo thỏa thuận tại Strasbourg và gia hạn Điều 50 Hiệp ước Lisbon (trì hoãn rời EU) đến ngày 30-6.

Dựa trên các cuộc tham vấn đã tiến hành trong những ngày qua, EU tin rằng một sự gia hạn ngắn có thể là khả thi, song điều này còn phụ thuộc vào kết quả bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận rút khỏi EU tại Hạ viện Anh. Hiện vấn đề thời hạn kéo dài vẫn còn để ngỏ.

 

Thủ tướng Anh Theresa May tại phiên họp của Hạ viện ở Londo.

 Đề xuất của Thủ tướng Anh gia hạn Brexit đến 30-6 đặt ra một loạt vấn đề mang tính pháp lý và chính trị. Chủ tịch Donald Tusk cho biết hiện chưa có dự kiến về hội nghị thượng đỉnh bất thường cho vấn đề Brexit, nhưng ông cũng không loại trừ khả năng này. Nếu các nhà lãnh đạo chấp thuận những đề xuất của ông cùng khả năng diễn ra một cuộc bỏ phiếu tích cực tại Hạ viện Anh vào tuần tới, các nhà lãnh đạo 27 nước EU có thể hoàn thiện và chính thức hóa quyết định về việc gia hạn Brexit thông qua một thủ tục bằng văn bản. Chủ tịch Donald Tusk nhấn mạnh, EU đã phản ứng với một sự kiên nhẫn và lòng thiện chí trước nhiều sự kiện và sẵn sàng làm điều đó tại thời điểm quan trọng bậc nhất này của tiến trình Brexit.

Chính trường chia năm xẻ bảy

Trước đó, sau khi bà Theresa May gửi thư xin gia hạn Điều 50 Hiệp ước Lisbon cho tới 30-6, chính trường nước Anh đã bước vào một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện. 

Trong phát biểu của mình trước Hạ viện, bà Theresa May kêu gọi Quốc hội Anh cần phải nhanh chóng đưa ra quyết định về Brexit vì công chúng Anh đã mệt mỏi với những “cuộc tranh cãi nội bộ và các trò chơi chính trị”. Báo chí Anh cho rằng câu nói trên của bà Theresa May đã đưa ra ranh giới đỏ: hoặc Brexit phải diễn ra trong khoảng thời gian từ nay đến 30-6, hoặc sẽ có một ai đó lên thay bà để dọn mớ hỗn loạn này. 

Phát biểu này cũng đã khiến tất cả các phe nhóm chính trị tức giận và nổi loạn. Phe ủng hộ tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 đưa ra yêu cầu Thủ tướng công khai thỏa thuận này cho công chúng Anh có ý kiến. Những người ủng hộ Brexit mềm muốn đưa ra bỏ phiếu thăm dò để tìm cách khác thay thế cách hiện nay, trong khi những người thuộc phe cứng rắn trong nhóm những người ủng hộ Brexit thì bày tỏ sự tức giận khi nước Anh đã không thể rời EU vào ngày 29-3 như đã cam kết.

Báo chí Anh cũng đặt ra câu hỏi không biết liệu bà Theresa May sẽ vẫn là Thủ tướng Anh đến mùa hè này không? Khi bắt đầu giữ cương vị thủ tướng năm 2016, bà Theresa May đã nói nhiệm vụ của chính phủ là thực hiện ý nguyện của cuộc trưng cầu ý dân và đảm bảo cho việc nước Anh rời EU. Nhiệm vụ đó có thể vẫn không thay đổi, nhưng bà có thể không còn là người sẽ dẫn dắt thực hiện nhiệm vụ này nữa.

Cùng ngày, Anh tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tài chính “Brexit và hơn thế nữa” tại London. Nghị sĩ đảng Bảo thủ Oliver Letwin nhận định cần tạo một cơ hội để Hạ viện Anh tìm ra giải pháp thay thế, đồng thời cho rằng các nghị sĩ sẽ ủng hộ một quan hệ hậu Brexit kiểu Na Uy, theo đó Anh sẽ ở lại thị trường đơn nhất của EU và một liên minh thuế quan.