Đan Mạch trở thành nước đầu tiên cấm “hóa chất vĩnh cửu”

Thứ Sáu 8:04 06/09/2019

Bắt đầu từ năm 2020, Đan Mạch sẽ là quốc gia đầu tiên cấm sử dụng hóa chất PFAS trong sản xuất bao bì thực phẩm. PFAS, đôi khi còn được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, có liên quan đến bệnh ung thư, tăng cholesterol, giảm khả năng sinh sản...

Theo quy định mới của Đan Mạch, túi làm bỏng ngô trong lò vi sóng không được phép chứa PFAS.

Chính phủ Đan Mạch cho biết, nước này có thể sẽ tiếp tục sử dụng giấy và giấy tái chế để đóng gói thực phẩm. Ngoài ra, các hợp chất PFAS phải được ngăn cách với thực phẩm bằng một “hàng rào” để bảo đảm chất này không thể xâm nhập vào thực phẩm. Theo quy định mới, các đồ dùng như giấy nướng bánh và túi làm bỏng ngô trong lò vi sóng phải được bảo đảm không chứa PFAS.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Thực phẩm Đan Mạch Mogens Jensen khẳng định trong một tuyên bố: “Tôi không muốn chấp nhận rủi ro do các chất PFAS gây ra khi chúng di chuyển từ bao bì vào thực phẩm của chúng ta. Những chất này gây nguy hiểm cho sức khỏe đến mức chúng ta không thể chờ đợi hành động của Liên hiệp châu Âu (EU) thêm nữa”.

Bà Arlene Blum làm việc tại Viện Chính sách khoa học xanh và Khoa Hóa học của Đại học California, Mỹ cho rằng, Đan Mạch đang đi tiên phong trên lộ trình mang thực phẩm có lợi hơn cho sức khỏe đến với người tiêu dùng. Bà hy vọng quyết định mới của Đan Mạch sẽ khuyến kích các nước khác trên khắp EU, nước Mỹ và toàn thế giới đưa ra hành động tương tự.

PFAS là một nhóm gồm hàng nghìn hóa chất tổng hợp tồn tại vô cùng bền vững trong môi trường và cơ thể chúng ta. PFAS là tên viết tắt của các chất perfluoroalky và polyfluoroalkyl, bao gồm các hóa chất như PFOS, PFOA và GenX.

PFAS được sản xuất kể từ những năm 1940 và có thể được tìm thấy trong các sản phẩm không dính như teflon, các sản phẩm không thấm nước, các loại sơn, các sản phẩm tẩy rửa, bao bì thực phẩm và bọt chữa cháy.... PFAS được sử dụng rộng rãi trong sản xuất bao bì có khả năng chống thấm dầu mỡ và nước cho các loại thực phẩm như bánh kẹp thịt, bánh ngọt.

Các hóa chất này có khả năng dễ dàng đi vào không khí, bụi, thực phẩm, đất và nước. Con người cũng có thể tiếp xúc với PFAS thông qua bao bì thực phẩm và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. PFAS tiềm ẩn nhiều tác động có hại đối với sức khỏe con người như tổn thương gan, bệnh tuyến giáp, giảm khả năng sinh sản, cholesterol cao, béo phì, ức chế hormone và ung thư...

Trong một tuyên bố, Cơ quan Thú y và Thực phẩm Đan Mạch cho biết, các hóa chất PFAS rất khó phân hủy trong môi trường, thậm chí một số loại chất còn tích tụ trong cơ thể người và động vật. Trong nhóm PFAS, PFOS và PFOA là hai hóa chất được nghiên cứu nhiều nhất. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ xác định hai hóa chất này là chất gây ô nhiễm. Mỹ đã không còn sản xuất hoặc nhập khẩu PFOA và PFOS. Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu thông báo, cơ quan này đang đánh giá lại mức độ rủi ro của PFAS đối với sức khỏe con người.