Mỹ - Hàn Quốc thảo luận về chia sẻ chi phí quốc phòng: Còn nhiều bất đồng

Thứ Hai 9:43 28/10/2019

Vòng đàm phán thứ hai về việc gia hạn Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) nhằm chia sẻ chi phí quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc vừa kết thúc tại thành phố Honolulu thuộc quần đảo Hawaii (Mỹ). Song, hai quốc gia đồng minh vẫn chưa đạt được nhất trí do lập trường vẫn còn nhiều khác biệt.

Mỹ và Hàn Quốc đều nhất trí hoàn tất đàm phán về việc chia sẻ chi phí quốc phòng trong năm 2019.

Theo Hiệp ước Quốc phòng Mỹ - Hàn Quốc năm 1953, Mỹ triển khai lực lượng tại Hàn Quốc (USFK), hiện gồm 28.500 binh sĩ, để ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên và cũng là để bảo đảm an ninh tại khu vực Đông Bắc Á.

Kể từ năm 1991, Seoul đã cùng chia sẻ một phần chi phí với Washington cho việc tuyển dụng người Hàn Quốc làm việc cho lực lượng này; xây dựng các cơ sở quân sự để duy trì sự sẵn sàng của liên minh cũng như các dự án cải thiện phòng thủ hỗn hợp và nhiều hình thức hỗ trợ khác.

Hồi tháng 2 vừa qua, hai nước đã ký thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng sửa đổi cho năm 2019, trong đó Hàn Quốc cam kết chi trả 1,03 nghìn tỷ won (tương đương 890 triệu USD), tăng 8,2% so với mức 960 tỷ won của năm 2018. Thỏa thuận đã giúp chấm dứt tranh cãi trong nhiều tháng liên quan đến vấn đề tài chính giữa hai đồng minh Mỹ - Hàn Quốc, đồng thời xóa bỏ rào cản và mở đường cho hợp tác trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, vòng đàm phán mới nhất kéo dài 2 ngày nhằm thảo luận về việc gia hạn SMA dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12 tới. Hai bên tiếp tục đưa ra các vấn đề liên quan đến phạm vi và mức tăng khoản gánh vác của Hàn Quốc về các chi phí cho USFK. Trong đó, Seoul chủ trương đề xuất mức tăng hợp lý, không chênh lệch quá nhiều so với năm nay.

Tuy nhiên, các quan chức Washington lại đòi hỏi đồng minh truyền thống phần đóng góp lên tới 5 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với mức hiện tại. Lý giải điều này, xứ Cờ hoa lập luận rằng ngoài các chi phí về nhân công, xây dựng cơ sở quân sự, hậu cần cho lực lượng quân đồn trú Mỹ, còn một hạng mục mới cần đưa vào là chi phí hỗ trợ tác chiến. Theo đó, Hàn Quốc phải gánh vác cả chi phí triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên. Đây chính là vấn đề tồn đọng lớn nhất trong các cuộc đàm phán giữa hai bên tại Hawaii.

Trước khi diễn ra sự kiện này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã ra thông báo nhấn mạnh Seoul sẽ chấp nhận chia sẻ kinh phí công bằng và bình đẳng. Ngay trong buổi họp báo diễn ra ngày 25-10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa cũng tái khẳng định lập trường trên. Mục tiêu mà Hàn Quốc hướng tới qua các cuộc tham vấn này là đạt được một thỏa thuận có thể chấp nhận được theo hướng giúp củng cố quan hệ liên minh và vị thế quốc phòng của hai bên.

Song lập trường của Mỹ không kém phần cứng rắn. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ quan điểm, Hàn Quốc hiện đã là một quốc gia giàu có và giờ đây cần có nghĩa vụ đóng góp cho sự bảo vệ quân sự mà Mỹ cung cấp cho nước này.

Phát biểu trước Quốc hội về kế hoạch ngân sách năm 2020, Tổng thống Moon Jae-in cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7%, lên khoảng 42 tỷ USD. Hiện chưa rõ mức tăng này có tác động thế nào tới các khoản đóng góp của Seoul cho đồng minh Mỹ theo SMA.

Trong khi đó, thông báo của Bộ Tài chính Mỹ ngày 25-10 cho thấy, thâm hụt ngân sách của Chính phủ nước này trong năm 2019 đã tăng 984 tỷ USD, tương đương 4,6% GDP cả nước và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2012. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng khiến các nhà hoạch định chính sách nước này phải cân nhắc thận trọng hơn cho các khoản chi an ninh ngoài biên giới.

Theo kế hoạch, thỏa thuận SMA lần thứ 10 sẽ hết hiệu lực trong chưa đầy 2 tháng tới. Do đó, cả Seoul và Washington đều nhất trí phải hoàn tất đàm phán trong năm 2019. Thế nhưng, với những gì diễn ra thì đây là một tiến trình không dễ dàng.