Iraq và bài toán nan giải của Mỹ

Thứ Sáu 10:23 03/01/2020

Sau 2 ngày kéo tới vây Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq), hơn 1.000 người đã giải tán, qua đó giúp Nhà Trắng tránh một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, vấn đề chưa dừng lại ở đó.

Trụ sở nhóm dân quân Kataib Hizbullah ở Qaim (Iraq) sau khi bị quân đội Mỹ không kích.

Nguyên nhân

Đám đông rút khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad sau lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo dân quân được Iran hậu thuẫn. Những người này tuyên bố họ rút đi dựa trên cam kết của Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi buộc quân đội Mỹ rút khỏi Iraq.

Vụ việc bắt đầu bằng cuộc tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ quân sự hôm 27-12-2019 khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng và làm bị thương một số thành viên thuộc lực lượng an ninh Iraq và Mỹ. Các lực lượng Mỹ đã trả đũa bằng cuộc không kích vào 5 địa điểm do lực lượng dân quân thân Iran kiểm soát ở Syria và Iraq ngày 29-12-2019. Cuộc không kích đã làm ít nhất 20 người tử vong.

Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, vụ bạo động này cho thấy tầm ảnh hưởng của Iran trong Chính phủ Iraq. Theo báo chí Mỹ, bất chấp nỗ lực 16 năm của người Mỹ để thiết lập một chính phủ thân thiện hơn với lợi ích của phương Tây, cùng chi phí hơn 1.000 tỷ USD và 5.000 sinh mạng người Mỹ, Iraq đang nghiêng dần về quỹ đạo của Iran. Tờ Guardian nhận định, Washington bẽ mặt khi hàng trăm người hô vang các khẩu hiệu chống Mỹ, ủng hộ dân quân thân Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa trực tiếp Iran và tuyên bố nước này sẽ phải “trả giá rất lớn” khi gây ra bất kỳ cái chết nào cho công dân Mỹ hoặc gây thiệt hại cho các cơ sở của Mỹ tại Iraq.

Làn sóng bài Mỹ tại Iraq

Cũng theo tờ Guardian, các cuộc không kích của Mỹ đã gây ra một sự phản đối kịch liệt ở Iraq mà Mỹ dường như không lường trước được và giờ đây có vẻ như Iraq đang nỗ lực đánh đuổi tất cả các lực lượng Mỹ khỏi nước này. Cuộc tấn công kéo dài 2 ngày tại Đại sứ quán Mỹ gợi lên những ký ức đau thương về các cuộc tấn công trước đó vào các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Tehran và Benghazi. Các nhà ngoại giao Mỹ đã so sánh các cảnh hỗn loạn tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad 2 ngày qua với vụ lục soát năm 1979 tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, khi 52 công dân Mỹ bị bắt làm con tin, tuy vụ việc lần này quy mô nhỏ hơn và không có thiệt hại về người.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố triển khai ngay lập tức khoảng 750 binh sĩ đến Trung Đông. Ông cho biết thêm, quân đội được chuẩn bị để triển khai trong vài ngày tới.

Viễn cảnh về một cuộc xung đột ngày càng tồi tệ giữa các lực lượng Mỹ và các lực lượng thân Iran ở Iraq hiện rất lớn. Việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump chồng chất các biện pháp trừng phạt và áp lực kinh tế đối với Tehran đang càng làm cho quan hệ giữa 2 nước ngày càng xấu. Tổng thống Donald Trump đã phản đối các cuộc phiêu lưu quân sự ở các quốc gia xa xôi, nơi mà lợi ích của người Mỹ bị hạn chế. Ngược lại, ông Trump dường như say mê với chính sách gây áp lực tối đa đối với Iran, theo đó Washington đã dần tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Thiệt hại mà các lệnh trừng phạt này đã gây ra cho nền kinh tế Iran thực sự rất lớn. Về phần mình, Iran đã lên tiếng phủ nhận, đồng thời chỉ trích việc Washington đổ lỗi cho Iran về tình hình bạo lực ở Iraq. Chính phủ Iraq luôn duy trì quan hệ với cả Mỹ và Iran nên quan hệ giữa hai nước này căng thẳng liên quan tới thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 đã đẩy Iraq vào thế khó.