Dịch Covid-19: Italia bắt đầu giai đoạn sống chung với vi rút SARS-CoV-2

Thứ Ba 15:03 05/05/2020

Ngày 5-5, các nhà chức trách Italia cho biết , nước này chính thức bước vào giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19, giai đoạn sống chung với vi rút SARS-CoV-2.

Số ca mắc bệnh tại Mexico tăng mạnh trong 3 ngày gần đây.

Châu Âu

Theo sắc lệnh mới, người dân Italia có thể di chuyển trong cùng khu vực sinh sống, song vẫn không được phép đi tới các vùng khác ngoại trừ lý do khẩn cấp về sức khỏe hoặc công việc. Các công viên được phép mở cửa trở lại. Các đám tang có thể được tổ chức nhưng tối đa 15 người tham dự.

Tất cả các hoạt động tụ tập đông người nơi công cộng và cá nhân đều bị cấm. Yêu cầu đeo khẩu trang là bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, các cửa hàng, công sở và người dân phải duy trì khoảng cách an toàn. Sắc lệnh mới cũng nêu rõ trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng 9 tới.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia cho biết, nước này ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 là 211.938 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 29.079 trường hợp và số bệnh nhân hồi phục là 82.879 ca.

Cùng ngày, công ty công nghệ sinh học Takis của Italia thông báo đã thử nghiệm thành công trên chuột kháng thể chống vi rút SARS-CoV-2 từ vắc xin do hãng này nghiên cứu. Kết quả này mở ra hy vọng sớm điều chế thành công vắc xin phòng Covid-19.  

Các chuyên gia của Takis cho biết, cho đến nay, đây là kết quả tích cực nhất trong thử nghiệm vắc xin phòng ngừa vi rút SARS-CoV-2 do Italia điều chế. Dự kiến, các thử nghiệm trên người sẽ được tiến hành sau mùa hè.

Giám đốc Takis, ông Luigi Aurisicchio khẳng định, lần đầu tiên trên thế giới, một vắc xin chống vi rút SARS-CoV-2 đã trung hòa vi rút trong tế bào người và bước tiếp theo sẽ xem phản ứng miễn dịch kéo dài bao lâu.

Trong khi đó, kết quả một công trình nghiên cứu do các nhà khoa học Đức công bố cho thấy, hơn 22% số trường hợp mắc bệnh Covid-19 tại nước này không xuất hiện các triệu chứng.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bonn đã tiến hành phỏng vấn và xét nghiệm đối với 919 người trong 405 gia đình ở khu vực Gangelt, một trong những ổ dịch lớn nhất nước Đức.

Kết quả các xét nghiệm cho thấy 15% số người dân ở Gangelt đã bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2, với tỷ lệ tử vong là 0,37%. Ở quy mô toàn quốc, các chuyên gia ước tính 1,8 triệu người trên khắp nước Đức có thể đã nhiễm vi rút nguy hiểm này, cao hơn gấp 10 lần so với con số thống kê.

Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu cho thấy, tầm quan trọng của việc duy trì giãn cách xã hội cũng như thường xuyên rửa tay để tránh nguy cơ dịch lây lan rộng. 

Đức bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó cho phép các cửa hàng, trường học và nhà thờ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các quy định nhằm đảm bảo giãn cách xã hội vẫn được áp dụng, cụ thể là cấm mọi hoạt động tụ tập từ 2 người trở lên. Việc đeo khẩu trang cũng là yêu cầu bắt buộc khi đi các phương tiện giao thông công cộng cũng như khi đi mua sắm. Các cửa hàng được yêu cầu kẻ vạch để đảm bảo người mua đứng cách xa nhau ít nhất 1,5 mét.

Châu Á

Nhằm kiểm soát dịch bệnh sau khi phát hiện số ca mắc Covid-19 ở công trường xây dựng có lao động nước ngoài mắc bệnh tăng lên trong 2 ngày cuối tuần, Malaysia đã đóng cửa công trường đó. Chính phủ yêu cầu mọi lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia phải kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Malaysia cho biết, nước này có 55 ca mắc mới, trong đó có 7 ca từ nước ngoài về, còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc tại Malaysia lên 6.353 ca, bao gồm cả 105 ca tử vong. 

Indonesia có thêm 19 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên thành 864, trong khi có 1.954 bệnh nhân đã hồi phục.

Bộ Y tế Singapore cho biết, quốc đảo Sư tử ghi nhận thêm 573 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 18.778 trường hợp.

Châu Mỹ

Mexico đã ghi nhận số ca mắc bệnh tăng gấp 5 lần. Số liệu thống kê dựa trên mô hình giám sát nghiên cứu dịch bệnh được chính phủ nước này sử dụng. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Mexico chính thức ghi nhận 23.471 ca mắc Covid-19 và trên 2.154 ca tử vong.

Tuy nhiên, số liệu từ hệ thống giám sát Sentinel của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được sử dụng tại Mexico kể từ năm 2006, ước tính số ca mắc bệnh ở nước này đã lên tới 128.033 ca.

Hệ thống này đưa ra ước tính trên dựa trên các dữ liệu thu thập từ một mạng lưới các cơ sở đáng tin cậy, chứ không dựa trên các báo cáo về số ca tử vong và số ca nhập viện vốn không nắm bắt được phần lớn số bệnh nhân được điều trị tại nhà. 

Giới chức y tế Mexico dự báo dịch bệnh sẽ lên đến đỉnh điểm vào ngày 6-5 tới với số ca nhiễm tăng cao. Một số bệnh viện ở khu vực thủ đô Mexico City mở rộng đã hoạt động hết công suất. 

Trong khi đó, Chính phủ Chile đã ra lệnh thực hiện các biện pháp cách ly mới nghiêm ngặt tại 3 quận ở thủ đô Santiago sau khi số ca mắc Covid-19 tăng bất ngờ vào ngày 3-5.

Bộ trưởng Y tế Jaime Manalich cảnh báo: "Nếu chúng ta không chiến thắng cuộc chiến ở Santiago, chúng ta có thể thua trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên cả nước".

Các quận Cerillos, Quilicura và Recoleta ở thủ đô Santiago và thành phố mỏ Antofagasta, miền Bắc nước này, sẽ bị phong tỏa từ ngày 5-5 tới. Thủ đô Santiago với 7 triệu dân đã trở thành tâm dịch, đặc biệt là ở 3 vùng ngoại ô giàu nhất.

Tính đến 6h ngày 5-5, toàn thế giới có 3.640.473 ca mắc Covid-19; trong đó, 251.817 ca tử vong.