Số ca nhiễm mới Covid-19 trên thế giới giảm:

Tín hiệu lạc quan nhưng cần thận trọng

Thứ Sáu 10:41 19/02/2021

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong một tháng qua, số ca nhiễm mới vi rút SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã giảm 44,5% so với tháng trước đó. Đây là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh nhiều nước đã phát động chiến dịch tiêm chủng hàng loạt vắc xin ngừa Covid-19 cũng như thực hiện tốt các biện pháp cách ly, phong tỏa. Dẫu vậy, các chuyên gia nhận định, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại hoàn toàn có thể xảy ra nếu các chính phủ lặp lại sai lầm là vội vàng dỡ bỏ những biện pháp phòng ngừa như từng thực hiện vào mùa hè năm ngoái.

Nhiều nước đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Suốt nửa cuối năm 2020, trung bình khoảng 2 tuần, số ca mắc Covid-19 trên thế giới tăng thêm 10 triệu. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu đã giảm gần một nửa, từ hơn 5 triệu ca/tuần vào thời điểm ngày 4-1 xuống còn khoảng 2,7 triệu ca vào tuần qua. Đây là tuần thứ năm liên tiếp số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trên thế giới giảm liên tục và là mức giảm lớn nhất, đồng thời được duy trì lâu nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát hồi đầu năm 2020.

Các chuyên gia nhận định, số liệu mới phản ánh những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch của nhân loại. Chính phủ các nước đã tăng cường nhiều biện pháp mạnh tay, kể cả phong tỏa và cách ly diện rộng để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Ngoài ra, người dân ở nhiều nơi cũng nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuân thủ nghiêm hướng dẫn của nhà chức trách về đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng chất diệt khuẩn, giãn cách xã hội..., giúp những nỗ lực ngăn chặn mầm bệnh phát huy hiệu quả. Tiến sĩ dịch tễ học người Pháp Jean-Marie Milleliri phân tích, các biện pháp y tế được thực hiện chặt chẽ hơn vào cuối năm 2020 đã mang đến kết quả hiện nay là chúng ta đang bắt đầu biết cách kiểm soát quá trình lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, người đứng đầu WHO khẳng định: “Điều cần làm lúc này là duy trì được xu hướng giảm. Nếu chúng ta ngừng bất kỳ biện pháp nào, dịch bệnh sẽ quay trở lại". Trước tình hình này, các chuyên gia đang hối thúc các nước không nên lơ là, mất cảnh giác với một loại vi rút "dường như thích nghi tốt với con người". Minh chứng là trong mùa hè năm ngoái, đại dịch đã diễn biến phức tạp, theo hướng nghiêm trọng hơn khi nhiều nước đẩy nhanh nới lỏng các biện pháp phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Mới đây, số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc quay trở lại ngưỡng 600 ca/ngày, cao nhất trong hơn một tháng qua, làm dấy lên những lo ngại nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát khi nước này vừa nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội.

Còn với Mỹ, dù số ca mắc và nhập viện do Covid-19 đang có xu hướng giảm ở hầu hết các bang, song một số chuyên gia y tế vẫn lo ngại Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 nếu không ngăn chặn được các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2. Lo ngại trên của các chuyên gia được đưa ra khi một số bang của Mỹ bắt đầu nới lỏng các quy định ngăn chặn dịch Covid-19.

Quan ngại hơn, sự xuất hiện của một loạt biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần, thậm chí một số biến chủng chứa đột biến được cho có thể kháng các loại vắc xin đang lưu hành là thách thức rất lớn đối với cuộc chiến của nhân loại chống lại đại dịch toàn cầu.

Dẫu vậy, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 chậm lại gần 50% thời gian qua đang mang đến hy vọng về những bước ngoặt trong đối phó với dịch bệnh. Nhưng trước những cảnh báo nguy cơ vi rút SARS-CoV-2 có thể còn tồn tại lâu dài thì việc thực hiện các bước đi thận trọng và đề cao hợp tác giữa các quốc gia là cần thiết để thế giới có chiến thắng cuối cùng trước kẻ thù chung.