Sự kiện & Bình luận

Trồng rừng - đừng là khẩu hiệu

Thứ Hai 16:58 07/06/2021

ĐBP - Nửa cuối năm 2020, thiên tai, lũ lụt hoành hành gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhân dân nhiều tỉnh trên cả nước. Thiệt hại lớn nhất là các tỉnh miền Trung: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, tiến sâu vào Quảng Nam... Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu; tình trạng chặt phá, đốt rừng tràn lan gây lũ ống, lũ quét... Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh trong vòng 5 năm (2021-2025) để bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước...

Đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Đề án nêu rõ, mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng 1 tỷ cây xanh, trong đó gồm 690 triệu cây phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. 

Tính toán sơ bộ, Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân. Trong vòng 5 năm tới, chỉ cần 1 người dân trong 1 năm trồng 2 cây xanh, thì giai đoạn 2021 - 2025, việc nước ta trồng 1 tỷ cây xanh là hoàn toàn có cơ sở.

Nhưng đấy là con số tính toán về mặt nhân chia, tăng về cơ học. Còn thực tế, việc trồng rừng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Vì không phải bây giờ việc phát động trồng rừng, trồng cây phân tán mới thực hiện. Mà nhiều năm qua, các tỉnh, thành phố đều thực hiện chủ trương trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế... nhưng kết quả không như mong muốn.

Với tỉnh Điện Biên, nhiều năm gần đây, kế hoạch trồng rừng đều không đạt. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu kinh phí hỗ trợ thấp, vốn giải ngân chậm; khu vực quy hoạch trồng rừng xa dân cư, địa hình không thuận lợi; cây giống chưa phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, việc bảo vệ, chăm sóc rừng, cây phân tán sau khi trồng khó khăn; nắng nóng, sâu mối... phá hại, dẫn đến tỷ lệ cây sống sau khi trồng đạt thấp.

Minh chứng rõ nhất của việc trồng cây phân tán hiệu quả thấp phải kể đến thị xã Mường Lay. Năm 2015, toàn thị xã trồng 20.300 cây phân tán nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt 15%; đặc biệt hơn 2.200 cây mỡ được trồng tại phường Sông Đà, kết quả kiểm tra sau 1 năm trồng cho thấy không còn cây nào sống. Những năm tiếp theo, dù tỷ lệ cây sống trung bình có tăng hơn, nhưng kết quả cũng không mấy khả quan, khi đánh giá tình hình sinh trưởng đều ở mức kém. Cụ thể, năm 2016 tỷ lệ cây sống là 16%; năm 2017 đạt 25%. Riêng năm 2019, tỷ lệ cây sống đạt 92% nhưng đây là năm số lượng cây trồng ít, trên 200 cây và tất cả đều là cây ban do 8 tổ chức tham gia trồng, chăm sóc. 

Tiếp nhận thông tin việc trồng cây phân tán tại thị xã Mường Lay trong mấy năm qua đạt thấp, có người xót xa đọc câu vè rằng: "Hoan hô các cụ trồng cây//Mười cây chết chín một cây gật gù...". Thực tế, như số liệu báo cáo thì việc trồng cây phân tán tại thị xã Mường Lay không đến mức "Mười cây chết chín", nhưng cũng chết đến... tám cây rưỡi!.

Một vài địa phương khác, hàng năm đều hưởng ứng rầm rộ Tết trồng cây. Các tổ chức đoàn thể phát động trồng cây phân tán dọc các trục quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; trồng trong khuôn viên cơ quan, công sở, trường học... Nhưng sau khi trồng, việc chăm sóc, bảo vệ kém, trâu bò phá hại, đất đai cằn cỗi, khô hạn kéo dài dẫn tới tình trạng cây chết dần mòn.

Thực tế, việc trồng cây phân tán, trồng rừng sẽ đạt hiệu quả cao nếu như cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các địa phương có những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát thực tế. Sau khi trồng phải giao cho các tổ chức đoàn thể xã hội đảm nhiệm việc bảo vệ, chăm sóc và sẵn sàng trồng thay thế những cây bị chết, cây phát triển kém.

Mường Ẳng là địa phương làm tốt vấn đề này. Tại đây, sau lễ trồng cây, nếu tổ chức, đoàn thể xã hội nào để cây khô cằn, không phát triển thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện, và đây cũng là một trong những tiêu chí để xét thi đua dịp cuối năm. Chỉ đạo quyết liệt từ Ban Thường vụ Huyện ủy xuống Đảng ủy, chi ủy các cấp; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải làm gương và nêu gương khi tham gia trồng rừng, trồng cây phân tán, nên những năm gần đây việc trồng rừng, trồng cây phân tán tại Mường Ảng đặt kết quả rất tốt.

Qua đó thấy rằng, việc trồng rừng, trồng cây phân tán phải làm thật, có kế hoạch chi tiết, quy hoạch khu, điểm trồng cụ thể, rõ ràng, cây giống phù hợp; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, thưởng - phạt nghiêm minh. Còn trồng rừng theo kiểu "đến hẹn lại lên", khi phát động thì trống dong cờ mở, nhưng sau đó thì bỏ bê, không ai chịu trách nhiệm, "trồng rừng khẩu hiệu", thì chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới không dễ thực hiện.