Ung thư vú - biết sớm dễ lành

Chủ Nhật 0:00 06/03/2016
Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ hiện nay. Một trong các yếu tố góp phần làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú là tầm soát để phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm khi chưa có dấu hiệu biểu lộ của ung thư. Cơ hội sống thêm ít nhất 5 năm từ 98% - 100% cho các trường hợp ung thư vú tầm soát được ở giai đoạn có dấu hiệu (giai đoạn 0) và giai đoạn 1. Tầm soát ung thư vú giúp người bệnh có cơ hội được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn rất sớm, điều trị phẫu thuật thuận lợi hơn như: có thể bảo tồn vú hoặc tái tạo vú, tránh phải mổ cắt bỏ hết một bên ngực hoặc cả hai bên.

Phẫu thuật tận gốc điều trị ung thư vú là đoạn nhũ (cắt một bên ngực) và nạo hạch vùng nách. Đây là phẫu thuật gây mất mát nhiều cho người phụ nữ về mặt hình thể và tâm lý. Điều mong ước của người bệnh cũng như của thầy thuốc điều trị là tái tạo lại vú sau đoạn nhũ, giúp người phụ nữ không còn mặc cảm bị mất mát và chất lượng sống tốt hơn sau điều trị.

Tái tạo vú sau đoạn nhũ được nghiên cứu từ lâu. Nhưng đánh dấu sự thành công từ thập niên 1980 và đạt đến hoàn hảo từ năm 1995 khi có sự ra đời của một kiểu đoạn nhũ mới chừa lại nhiều da (đoạn nhũ tiết kiệm da), thậm chí có thể chừa lại cả quầng vú - núm vú, làm cho việc tái tạo vú thuận lợi và mang lại kết quả thẩm mỹ cao. Tái tạo vú thường được dành cho các bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn sớm, có thể thực hiện ngay trong lúc đoạn nhũ tiết kiệm da (gọi là tái tạo vú tức thì) hoặc có thể thực hiện sau khi đã hoàn tất các bước điều trị (gọi là tái tạo vú trì hoãn, thường một năm sau mổ). Tái tạo vú có thể dùng ngay chính mô của người bệnh hoặc dùng túi độn vú tùy theo kích thước của vú, tình trạng mô nơi muốn lấy để tái tạo (mô mỡ vùng bụng dưới, cơ lưng rộng) và chỉ định xạ trị sau mổ. Biến chứng của tái tạo vú ít gặp, không trầm trọng và thường không làm trì hoãn các phương pháp điều trị hỗ trợ sau mổ. Nghiên cứu tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho thấy, đa số phụ nữ Việt Nam có thể dùng vạt da cơ lưng rộng để tái tạo vú với kết quả rất khả quan.

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ không có yếu tố nguy cơ đặc biệt mắc bệnh ung thư vú, có thể tự khám vú mỗi tháng ngay lúc bắt đầu từ 20 tuổi. Thời điểm thích hợp để tự khám vú là sau khi sạch “đèn đỏ” vài ngày. Lần đầu tiên tự khám vú nên được bác sĩ hướng dẫn đúng kỹ thuật. Tự khám vú có thể phối hợp với tư vấn và khám vú do các bác sĩ chuyên khoa thực hiện mỗi 3 năm một lần. Nên lồng ghép khám vú vào các chương trình khám sức khỏe định kỳ. Từ 40 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần và có thể phối hợp với siêu âm vú đối với phụ nữ trẻ có mô vú dày…

TS-BS TRẦN VĂN THIỆP (BV Ung bướu TPHCM)