Điều trị ung thư bằng xạ trị ngày càng hiệu quả

Thứ Ba 14:02 21/11/2017
Hiện nay, xạ trị là một phương pháp cơ bản và hiệu quả cao trong điều trị ung thư. Ước tính 50% -70% trường hợp bị ung thư cần xạ trị. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp xạ trị nào quyết định rất lớn đến hiệu quả điều trị bệnh.

Qua quá trình điều trị và nghiên cứu, Bệnh viện Ung bướu TPHCM xác định có 3 hình thức xạ trị cơ bản: Xạ trị ngoài, xạ trị trong và xạ trị chuyển hóa. Xạ trị ngoài là chiếu tia xạ từ bên ngoài vào trong cơ thể đến vị trí bướu. Xạ trị trong là đưa nguồn phóng xạ trực tiếp vào trong khối u hoặc khoang cơ thể mang khối u. Xạ trị chuyển hóa là sử dụng dược chất phóng xạ dạng lỏng để uống hoặc tiêm vào trong cơ thể, chất phóng xạ sẽ được chuyển hóa đến cơ quan mang khối u. 

Một số kỹ thuật xạ trị đang được sử dụng phổ biến là xạ trị quy ước (2D), xạ trị phù hợp mô đích (3D-CRT) và xạ trị điều biến liều (IMRT). Xạ trị quy ước đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém nhưng kết quả điều trị khá tốt cho một số trường hợp bướu nông, ung thư da, tuyến mang tai, thanh quản…

Tuy nhiên tác dụng phụ cũng khá nhiều: viêm niêm mạc, viêm da, khô miệng… Xạ trị phù hợp mô đích (3D-CRT) nhờ kỹ thuật 3D nên bằng hình ảnh chụp cắt lớp (CT scan) xác định được thể tích bướu và mô lành, cho phép xạ trị chính xác vào bướu ở bất kỳ vị trí nào và ít ảnh hưởng đến mô lành xung quanh. Xạ trị điều biến liều (IMRT) sử dụng chùm tia có cường độ không đồng nhất, cho phép xạ trị chính xác vào bướu thông qua kỹ thuật tối ưu hóa ngược dựa trên phần mềm điện toán chuyên dụng. Xạ trị điều biến liều hạn chế tối đa các biến chứng do ung thư vùng đầu cổ như các biến chứng khô miệng, nuốt khó, hoại tử xương hàm… Xạ trị trong hay xạ trị áp sát (BCT) cũng là kỹ thuật xạ trị tối ưu đối với một số ung thư vùng đầu cổ còn khu trú tại chỗ, hoặc điều trị các tổn thương lan rộng và di căn. Kết hợp xạ trị ngoài với xạ trị trong giúp điều trị triệt căn một số ung thư cổ tử cung, ung thư vùng đầu cổ như môi, lưỡi, niêm mạc miệng…, đồng thời bảo tồn được cấu trúc, chức năng và ít gây biến chứng đến mô lành xung quanh. 

Hiện nay, các cơ sở chuyên khoa u bướu có đội ngũ bác sĩ xạ trị, kỹ sư vật lý phóng xạ chuyên nghiệp và các kỹ thuật viên lành nghề, có thể thực hiện hầu hết các kỹ thuật xạ trị hiện đại nói trên. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp điều trị nào tối ưu phải dựa vào nhiều yếu tố như vị trí bướu, giai đoạn, thiết bị xạ trị hiện có… nhằm đem lại lợi ích cao nhất về kinh tế, hiệu quả điều trị cũng như chất lượng sống cho bệnh nhân. Do vậy, người bệnh bị ung bướu cần tích cực thăm khám lâm sàng theo chỉ dẫn bác sĩ để được xác định chính xác mức độ bệnh và áp dụng phương pháp xạ trị hiệu quả nhất.