Không chủ quan trước bệnh đau mắt đỏ

Thứ Hai 8:24 11/12/2017
ĐBP - Mặc dù, hiện nay không vào thời kỳ cao điểm về bệnh đau mắt đỏ (tháng 6 hoặc 7), nhưng trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đang xuất hiện bệnh này. Vì là bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao nên người dân cần lưu ý phòng tránh, đặc biệt với những người mắc bệnh việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng người dân đến mua thuốc đau mắt đỏ tại các quầy thuốc trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ tăng nhẹ. Trao đổi với chị Nguyễn Thị Thu Hường, chủ quầy thuốc Hương My, phường Mường Thanh, được biết: Thời điểm này, số lượng người đến mua thuốc các bệnh về mắt tại quầy có tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Tôi cũng chủ động khuyến cáo người dân đến mua thuốc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng…

 

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp để phòng chống bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: Tuấn Anh

Chị Tòng Thị Thanh, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên), chia sẻ: Mấy hôm trước, chị thấy con có biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ. Gia đình chủ động tránh để cháu tiếp xúc với ánh sáng, bụi bẩn bên ngoài và mua thuốc điều trị. Ðến nay, mắt cháu đã dần ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lưu, Phó Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Ða khoa tỉnh), cho biết: Thời gian gần đây, có khoảng 10 ca mắc bệnh đau mắt đỏ vào thăm khám. Bệnh đau mắt đỏ thường có triệu chứng cộm, cảm giác như cát trong mắt, chảy nước mắt và có nhiều gỉ. Sáng ngủ dậy gỉ làm mi mắt dính chặt, hơi đau; kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày lây sang mắt thứ hai, kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em). Trong những truờng hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc, khi đó thị lực có thể giảm. Bệnh có thể lây qua người khác khi dùng chung khăn hoặc chậu rửa mặt; dùng tay dụi mắt sau đó dùng chung đồ vật với người mắc bệnh; lây qua môi trường bể bơi, không khí, vật trung gian (ruồi, nhặng)…

Ðể phòng tránh dịch lây lan và bùng phát diện rộng, người dân cần lưu ý thường xuyên rửa mặt 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng, giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng, giữ vệ sinh môi trường. Tránh đưa tay bẩn lên mắt, đeo kính râm khi ra đường; sau khi lao động trong môi trường có bụi nên rửa mặt sạch rồi tra nước nhỏ mắt, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch. Ðối với những người mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc, hạn chế đi lại để tránh lây lan cho cộng đồng. Không nên tự ý dùng thuốc mà không theo hướng dẫn của bác sĩ, vì rất dễ dẫn đến trường hợp gây biến chứng. Tốt nhất là ngay khi có các triệu chứng đau mắt, người bệnh nên đến bác sĩ để thăm khám.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lưu cũng khuyến cáo, đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng xấu ảnh hưởng thị lực sau này. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh và xử lý kịp thời khi bị mắc bệnh.