Tăng cường phòng, chống cúm gia cầm A/H7N9

Thứ Hai 9:53 12/03/2018
ĐBP - Tăng cường phòng, chống cúm gia cầm A/H7N9 là một trong những hoạt động trọng tâm được Sở Y tế triển khai cuối tháng 2 vừa qua, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cùng với đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến huyện, thị, thành phố tăng cường công tác phòng, chống các chủng cúm nguy hiểm khác.

Tại Ðiện Biên, từ đầu năm đến nay, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm gia cầm ở người, song nguy cơ lây lan cúm gia cầm sang người là rất cao. Bởi trước đó, vào năm 2013, toàn tỉnh đã có 2 ca đến điều trị tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh trong tình trạng sốt nóng, ho nhiều, khó thở và đau tức ngực. Dù đã được điều trị tích cực, song cả 2 bệnh nhân đã nhanh chóng suy giảm thể lực và tử vong sau đó. Kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy, cả 2 trường hợp (trú tại TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên) đều bị nhiễm vi rút cúm A/H1N1.

 

Học sinh Trường Mầm non xã Phu Luông (huyện Ðiện Biên) vệ sinh cá nhân trước khi ăn cơm.

Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, thời tiết giá lạnh, độ ẩm cao, các hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tăng cao; do vậy nguy cơ xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm và khả năng virút cúm A/H7N9 cũng như các chủng virút cúm độc lực cao khác xâm nhiễm vào địa bàn là rất cao, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc. Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường giám sát, phòng, chống, ngăn chặn và khống chế các chủng cúm nguy hiểm này. Trong đó, chú trọng phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra chuồng trại nuôi gia cầm tại các xã, khu vực, đặc biệt là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa có nguy cơ dễ xảy ra dịch bệnh.

Ngành Y tế cũng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết, gia cầm nhập lậu qua biên giới... Ðối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở chỉ đạo nếu phát hiện bệnh nhân có biểu hiện bất thường, thông báo kịp thời tình hình cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để phối hợp giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh là đơn vị chủ động các loại thuốc, hóa chất khử trùng, dập dịch khi dịch xuất hiện, tránh để lan rộng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng cúm.

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì cúm A/H7N9 là chủng cúm có độc lực cao; hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Ngành Y tế khuyến khích người dân, nhất là người có nguy cơ mắc bệnh cao: Người già, trẻ em nên tiêm vắc xin phòng cúm. Ngành Y tế khuyến cáo người dân: Hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm chết, chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện người có triệu chứng cúm phải cách ly điều trị tại cơ sở y tế để hạn chế lây lan cho người khác, đồng thời báo các cơ quan chức năng để giám sát dịch tễ, bao vây dập dịch nếu có. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, tập trung vào khu vực có nguy cơ cao phát sinh ổ dịch cúm gia cầm, khu vực chăn nuôi gia cầm, chợ buôn bán, điểm thu gom gia cầm, cơ sở ấp nở gia cầm và cơ sở giết mổ gia cầm…