Chủ động phòng tránh dịch bệnh cho trẻ thời điểm giao mùa

Thứ Hai 8:44 24/09/2018
ĐBP - Hiện nay, thời tiết đang trong thời điểm giao mùa, chuyển từ khí hậu nóng ẩm của mùa hè sang tiết trời khô hanh của mùa thu. Vào thời điểm này, độ ẩm không khí cao, biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn có hại phát triển. Trong khi đó, do sức đề kháng của trẻ kém nên rất dễ mắc bệnh. Một số bệnh trẻ thường mắc trong thời điểm này là cúm, sốt phát ban, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, thủy đậu, tiêu chảy, viêm tiểu phế quản… Thực tế, trong 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh có 1.829 trường hợp mắc bệnh cúm; 1.464 trường hợp tiêu chảy; 143 trường hợp mắc bệnh sởi; 61 trường hợp mắc bệnh thủy đậu… Trong đó, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em từ 1 - 5 tuổi.

Ðiển hình như cháu Lò Minh Quân (5 tuổi), bản Na Ten, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) đang điều trị tại Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ. Do thời tiết thay đổi đột ngột, sức đề kháng của cơ thể yếu nên cháu bị sốt, ho, viêm phổi. Sau 4 ngày điều trị tại Trung tâm, sức khỏe bệnh nhân Quân đã khá hơn, không còn ho nhiều như trước. Mặc dù đa số trường hợp trẻ mắc bệnh đều được khám, điều trị kịp thời song, nếu các bậc cha mẹ lơ là, chủ quan, không theo dõi thường xuyên, chăm sóc trẻ đúng cách thì bệnh dễ gây ra những biến chứng làm ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

 

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé thăm, khám cho bệnh nhi.

Ðể chủ động phòng tránh dịch bệnh trong thời điểm giao mùa, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trẻ em; vừa qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa thu đông. Ðồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho người dân. Cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn, bản khó khăn để truyền thông về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh một số bệnh trẻ thường gặp, chăm sóc khi trẻ mắc bệnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cử 3 đợt cán bộ xuống gần 80 thôn, bản của 16 xã thuộc 8 huyện để truyền thông cho hơn 7.000 lượt người dân. Cùng với đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền qua đội ngũ cán bộ y tế xã, thôn, bản; kết hợp tuyên truyền thông qua hoạt động khám, chữa bệnh; hệ thống loa phát thanh của huyện, xã… tuyên truyền về các loại dịch bệnh trẻ hay mắc để người dân chủ động phòng tránh. Hiện Trung tâm đang phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị, thành phố tổ chức lễ phát động rửa tay bằng xà phòng nhằm phòng tránh các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em, học sinh. Mặt khác, Trung tâm tăng cường tổ chức giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, lây lan; chủ động rà soát lại cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất dự phòng, nhân lực để sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng khuyến cáo, để chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ trong thời điểm giao mùa, các bậc cha mẹ cần hạn chế đưa trẻ ra ngoài khi trời lạnh. Khi ra ngoài phải mặc áo dài tay cho trẻ, chủ động giữ ấm vùng ngực, cổ; giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo thông khí tốt. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối, rửa tay cho trẻ sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn; cho trẻ uống thuốc bổ, vitamin và có chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ có sức đề kháng tốt nhất. Ðối với trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Ðây là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Khi thấy trẻ có các biểu hiện, như: sốt, ho, sổ mũi, khó thở, biếng ăn… các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, hướng dẫn chăm sóc, điều trị kịp thời.