Bệnh phong không đáng sợ như lầm tưởng

Thứ Ba 8:19 11/12/2018

Là loại bệnh lây qua tiếp xúc, gây tổn thương da và dây thần kinh, có thể gây tàn tật nhưng bệnh phong lại khó lây lan. Bởi thế, hiện nay bệnh Phong được giới Y học nhận định, không đáng sợ như nhiều người lầm tưởng.

Hiểu đúng về bệnh phong

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bệnh phong là bệnh khó lây, có thời gian ủ bệnh kéo dài do vi trùng Mycobacterium Leprae gây ra. Thời gian ủ bệnh trung bình 3-5 năm hoặc có trường hợp có thể 5 năm, 10 năm.

 

Bệnh có những dấu hiệu đầu tiên như chuyển biến màu trên da, không còn cảm giác nóng, lạnh và đau.

Bệnh phong có khá nhiều biểu hiện lâm sàng, trong đó, bệnh có hai dạng thường gặp đó là dạng Tuberculoid - phong củ và dạng Lepromatous - phong u, từ hai dạng này, bệnh còn chia ra nhiều thể khác nhau.

Theo đó, cả hai dạng trên đều gây tổn thương da nhưng phong u được cho là có ảnh hưởng nặng nề hơn do cấu tạo u ngoài da làm cho bệnh nhân có hình dạng méo mó, dị dạng.

Bệnh phong lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với những chất xuất tiết (nước mũi, nước bọt…) lâu ngày. 

Biểu hiện của bệnh:

Bệnh có những dấu hiệu đầu tiên như chuyển biến màu trên da, không còn cảm giác nóng, lạnh và đau.

Các triệu trứng tiếp theo như mặt người bệnh bắt đầu nổi cục sần sùi nhỏ, mũi xẹp xuống, xuất hiện nhiều cục tại các dây thần kinh ngoại vi như cổ tay, khuỷu tay, đầu gối.

Nếu không được điều trị, bệnh thường có những biến chứng về bàn tay và bàn chân rất nặng nề, có thể dẫn đến tàn tật như: Ngón tay, ngón chân, bàn chân rủ, hở mi.

Do tay, chân không còn cảm giác dẫn đến người bệnh bị thương mà không biết, gây bội nhiễm với các vi khuẩn khác và mất dần bàn tay, bàn chân.

Bên cạnh đó, bệnh còn có biểu hiện khác như: Rối loạn bài tiết (da khô, bóng mỡ), rối loạn dinh dưỡng (rụng lông mày, loét ổ gà…), viêm mũi, viêm thanh quản…

Không nên quá lo lắng, kì thị người bệnh phong

Theo các bác sĩ, tuy bệnh phong có nhiều biến chứng nhưng lại là loại bệnh lây chậm, lây ít và rất khó lây. Bệnh lây do tiếp xúc gần gũi nhiều và thường xuyên với nguồn bệnh.

 

Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh phong rất khó lây lan. Nhưng người bệnh cần nhận diện các dấu hiệu để sớm phát hiện, điều trị bệnh đúng cách để khỏi bệnh hoàn toàn.

Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ lây lan giữa vợ - chồng, nếu một trong hai người bị bệnh chỉ từ 3-5%. Do có miễn dịch chéo nên đa số mỗi người đều có miễn dịch và sức đề kháng chống lại vi khuẩn phong. Chính vì vậy, mặc dù nhiều người nhiễm vi khuẩn này nhưng chỉ có một số rất ít bị bệnh mà thôi.

Theo các nhà dịch tễ học, tuổi càng bé càng dễ bị bệnh phong và tỉ lệ phong ở nam giới cao hơn ở nữ giới.

Về các cách phòng chống và trị bệnh phong, Cục Y tế dự phòng cho biết, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh phong, vì vậy các biện pháp dự phòng vẫn là: Vệ sinh môi trường, ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao đề kháng của cơ thể. 

Khi có nghi ngờ về triệu chứng của bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chấn đoán và điều trị kịp thời để tránh tàn tật có thể xảy ra.

 

Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cũng là cách hữu hiệu để phòng tránh bệnh phong.

Nếu vùng da bị trầy xước của người bình thường tiếp xúc với vùng da bị trầy xước của bệnh nhân phong thì cần rửa tay bằng xà phòng trong vòng hai phút trực khuẩn sẽ chết hoặc để ngoài nắng cũng trong vòng hai phút trực khuẩn cũng sẽ chết. Ngoài ra, tắm hằng ngày cũng là cách để ngăn ngừa bệnh phong.

Các bác sĩ cũng cho biết, nếu được phát hiện sớm, bệnh phong có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Hiện tại người mắc bệnh phong được điều trị miễn phí, điều trị tại nhà.

Với việc khó lây bệnh và có thể điều trị nội trú, Cục Y tế dự phòng cho rằng, cộng đồng không nên có sự kì thị với những người bệnh phong.
 

Phác đồ điều trị bệnh phong

Bệnh nhân nhóm ít vi trùng, người lớn dùng 2 loại thuốc uống trong 6 tháng gồm: Rifampicin 600mg, uống tháng một lần; Dapsone 100mg uống hằng ngày.

Bệnh nhân nhóm nhiều vi trùng, người lớn dùng 3 loại thuốc trong 12 tháng gồm: Rifampicin 600mg, Chofazimin 300mg, uống tháng một lần; Dapsone 100mg và Chofazimin 50mg uống hàng ngày.

Trẻ em dưới 12 tuổi dùng 1/2 liều của người lớn hoặc dựa vào cân nặng.