Nắng nóng kéo dài: Làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Thứ Hai 9:27 08/07/2019
Sau mỗi đợt nắng nóng kéo dài, số lượng bệnh nhân nhập viện lại gia tăng, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Dự báo, từ nay đến hết mùa hè năm nay sẽ còn xuất hiện nhiều đợt nắng nóng bất thường. Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng từ thời tiết đối với sức khỏe, mỗi người cần tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng việc trang bị kiến thức và các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.

Gia tăng bệnh nhân sốc nhiệt, đột quỵ... 

Mỗi đợt nắng nóng bất thường, người cao tuổi và trẻ nhỏ là những đối tượng bị tác động nhiều nhất. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, những ngày nắng nóng, bệnh nhân đến khám và cấp cứu tăng gấp đôi. Nếu bình thường, mỗi ngày tại đây tiếp nhận 300-400 bệnh nhân, thì vào đợt nắng nóng tăng lên 500-600 bệnh nhân/ngày.

 

Nắng nóng kéo dài, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh.

Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, bệnh viện đã đẩy giờ khám lên sớm hơn, thay vì khám từ 7h30 đến 8h, trong những ngày nắng nóng, các bác sĩ làm việc từ 6h.

Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, nơi tập trung đông bệnh nhân nhất vẫn là Khoa Cấp cứu và Đột quỵ. Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ cho biết, với những người cao tuổi phải làm việc hoặc sinh hoạt nhiều giờ ngoài trời khi nắng nóng, dễ bị tác động trực tiếp và có nguy cơ bị sốc nhiệt.

Nắng nóng còn tác động gián tiếp, khiến những người mắc bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… dễ bị biến chứng tim mạch, đột quỵ. Khoa Cấp cứu và Đột quỵ cũng vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân (trên 70 tuổi ở Hà Nội) bị tử vong trong cùng một buổi tối. Nguyên nhân, khi nắng nóng, thấy cơ thể mệt mỏi, nhưng bệnh nhân chủ quan không đi khám ngay, khi được người thân đưa đến bệnh viện đã rơi vào trạng thái xuất huyết não và không qua khỏi. 

Tương tự, tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do sốc nhiệt, đột quỵ, trong đó có 2 bệnh nhân tử vong. Đặc điểm chung của các bệnh nhân là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng và không bổ sung nước đầy đủ. Điều đáng nói, nếu trước đây, độ tuổi thường gặp ở những ca đột quỵ là từ 60 đến 70 tuổi, nhưng gần đây, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nữ mới 18 tuổi, bị đột quỵ não chỉ sau một cơn đau đầu…

Còn tại Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), trung bình mỗi ngày có 120 bệnh nhân vào cấp cứu, trong đó có những ca bệnh liên quan trực tiếp đến nắng nóng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9 cảnh báo, bệnh này không chỉ gặp ở người cao tuổi, nhiều người trẻ tuổi cũng bị đột quỵ.

Trong khi đó, Bệnh viện Tai mũi họng trung ương mỗi ngày cũng ghi nhận hàng nghìn lượt bệnh nhân tới khám, điều trị. Còn ở Bệnh viện Nhi trung ương, tại Khoa Khám bệnh chuyên khoa đã tiếp nhận và khám cho khoảng 1.400-1.600 trẻ/ngày, với các bệnh lý như: Viêm mũi, viêm đường hô hấp, viêm da...

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Út, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên khoa, việc để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, bật quạt mạnh thổi thẳng vào mặt, hoặc uống nhiều nước đá khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.

Ngoài ra, nắng nóng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến làn da. Bác sĩ Đặng Bích Diệp, Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị cháy da, bỏng da khi đi biển, hoặc nông dân làm việc nhiều giờ ở ngoài trời. Việc này không chỉ đẩy nhanh quá trình lão hóa da, mà còn có nguy cơ cao bị ung thư da nếu tiếp xúc với tia UV (tia cực tím) ở cường độ mạnh và trong thời gian dài.

Những cách phòng bệnh đơn giản, dễ thực hiện

Theo bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa trung ương), nhiều người cao tuổi ở nước ta vẫn tham gia lao động, sản xuất trên đồng ruộng; không ít người thường chủ quan, không trang bị đầy đủ thiết bị phòng hộ chống nóng, lại làm việc kéo dài, ăn và uống không đầy đủ dễ dẫn đến bị sốc nhiệt.

 

Thời tiết nắng nóng kéo dài, số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng. Trong ảnh: Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Trong khi đó, người cao tuổi rất khó thích ứng kịp khi nhiệt độ tăng cao, vì “trung tâm điều nhiệt” không còn nhạy cảm, “trung tâm báo khát” hoạt động kém... Để tránh tác động tiêu cực do nắng nóng, khi ra ngoài trời, mỗi người cần trang bị quần áo chống nắng sáng màu để tránh hấp thu nắng nóng và phải uống đủ nước, bổ sung các chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau, củ, quả. 

Còn với trẻ nhỏ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, có 8 biện pháp đơn giản, dễ thực hiện để bảo vệ trẻ nhỏ, đó là vệ sinh sạch sẽ bàn tay, uống nhiều nước, bổ sung hoa quả, tăng cường vận động, tăng số lần tắm, mặc quần áo thoáng mát, chia nhỏ bữa ăn và thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt, nên tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... 

Điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, mọi người cần bổ sung dinh dưỡng đúng cách.

Trong đó, hãy bảo đảm quy tắc, không cố ăn nhiều, nhưng ăn đủ dinh dưỡng. Các món ăn mùa hè nên dùng là các loại cháo, súp, bún… vừa đủ dinh dưỡng, vừa cung cấp thêm nước cho cơ thể. Với người cao tuổi và trẻ nhỏ, một bát súp thịt với các loại rau, củ, quả, có thể cung cấp được cả tinh bột, đạm và các loại vitamin.

Ngoài ra, các loại nước trái cây như: Cam, bưởi, nước dứa ép… luôn là sự lựa chọn tốt để cung cấp vi chất dinh dưỡng, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.