Tăng cường phòng, chống ngộ độc nấm

Thứ Sáu 8:37 23/08/2019

ĐBP - Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ ngộ độc nấm, đa phần là do các loại nấm độc mọc trong tự nhiên. Tuy chưa có trường hợp nào dẫn đến tử vong nhưng gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc người dân còn chủ quan trong việc thu hái, sử dụng các loại nấm trong tự nhiên làm thực phẩm.

Tháng 7 vừa qua, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ xảy ra 3 ca ngộ độc nấm trong cùng một gia đình sau khi mua và sử dụng nấm rừng. May mắn cả 3 trường hợp đều là ngộ độc nhẹ và được điều trị kịp thời nên không có sự cố đáng tiếc xảy ra. Ðó là trường hợp của ông Tòng Văn B., bản Che Phai, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ). Ông B. cho biết: “Tôi thấy một người bán nấm rừng ở ngoài chợ, thân trắng, gần giống nấm rơm mà người ta hay trồng, nên nghĩ ăn được. Hơn nữa, do tin tưởng người bán, cộng thêm việc cũng thấy nhiều người cùng mua nên yên tâm. Khi nấu, gia đình cũng dựa theo kinh nghiệm để phân biệt nấm độc nhưng không phát hiện ra điều gì bất thường. Ðến khi ăn xong 4 - 5 phút thì tôi buồn nôn, nôn nhiều, người khó chịu. Không chỉ mình tôi mà con dâu, cháu nội tôi cùng ăn cũng bị các triệu chứng tương tự. Tôi đoán là bị ngộ độc do ăn nấm nên gọi người nhà đưa lên Bệnh viện Ða khoa tỉnh để điều trị”.

 Theo ghi nhận từ các cơ quan chức năng, trong số các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra vài năm gần đây thì phần lớn nguyên nhân là do người dân ăn các loại nấm mọc trong tự nhiên. Ví dụ năm 2017, toàn tỉnh có 4 ca ngộ độc thực phẩm thì có 3 ca ngộ độc nấm; năm 2018 có 22 ca thì 21 ca ngộ độc nấm; từ đầu năm 2019 đến nay có 16 ca ngộ độc thực phẩm thì 15 ca do ăn phải nấm độc. Hàng năm các cơ quan chức năng đều tuyên truyền rộng rãi nhưng người dân vẫn vô tư mua, sử dụng các loại nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc những loại nấm lạ mọc trong tự nhiên.

Tại tỉnh ta, mùa hè thời tiết nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển. Thêm nữa, người dân thường thu hái các loại nấm mọc trong tự nhiên để bán, làm thực phẩm mà chỉ dựa trên kinh nghiệm. Còn có nhiều trường hợp khác mua hoặc lấy về chỉ dựa trên cơ sở nghe người khác... nói là ăn được chứ để phân biệt nấm độc với nấm không độc thì khá mơ hồ. Bà Nguyễn Thúy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Các ca ngộ độc từ nấm được xác định có nguy cơ tử vong cao hơn các ca ngộ độc thực phẩm khác, nhất là với những loại nấm có chứa độc tố tự nhiên. Vậy nên, việc tăng cường triển khai công tác phòng chống ngộ độc nấm là rất cần thiết. Ðể phòng ngừa mối nguy hại này, Chi cục xây dựng văn bản gửi các phòng y tế, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường thông tin truyền thông trực tiếp tới tận hộ gia đình bằng mọi hình thức để người dân biết và tuyệt đối không hái, sử dụng nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc làm thực phẩm. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền trên sóng phát thanh truyền hình bằng tiếng phổ thông và tiếng địa phương để người dân biết kỹ năng phòng chống ngộ độc, nhận dạng đặc điểm nấm độc. Khuyến cáo người dân kiểm tra nấm thật kỹ trước khi chế biến. Tuyệt đối không dùng nấm lạ, kể cả nấm màu trắng, có đủ bộ phận, nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với nấm ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển chúng giống nhau. Không hái nấm non để ăn vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ nấm đó có độc hay không. Tuy nhiên, cũng không nên ăn nấm quá già. Nấm tươi ăn được nên sử dụng trong vòng 12 giờ sau thu hái, tránh để nấm bị hỏng vì có thể hình thành độc tố gây ngộ độc. Khi mua nấm ở chợ, nên mua loại đã từng ăn, mua ở những cơ sở có uy tín, cần kiểm tra có đồng nhất về chủng loại và màu sắc, có lẫn nấm độc hay không. Nhất thiết phải loại bỏ các loại nấm lạ, nấm có màu sắc sặc sỡ, thân nấm bị mốc, thịt nấm có màu khác lạ và có hiện tượng phát quang... để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc do nấm gây ra.