Nậm Pồ chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm

Thứ Hai 9:51 23/09/2019

ĐBP - Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, tính đến ngày 31/8 trên địa bàn huyện đã có 196 ca mắc sởi, 225 ca thủy đậu, 1.050 ca mắc tiêu chảy và 472 ca mắc cúm. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời, không lây lan trên diện rộng, không xảy ra thiệt hại về người.

Chủ động phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện Nậm Pồ ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND, ngày 14/2/2019 về phòng chống dịch bệnh năm 2019 trên địa bàn huyện, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể huyện, xã tham gia. Xây dựng kế hoạch “Triển khai tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi/sởi - rubella cho trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh năm 2018”, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, bộ phận chuyên môn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca sốt phát ban nghi do sởi; chủ động bố trí các khu vực cách ly riêng để thu gom cách ly, điều trị bệnh nhân tại bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã. Trung tâm cũng phối hợp với các ban, ngành đoàn thể các xã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin về các bệnh truyền nhiễm (sởi, quai bị, thủy đậu…) để người dân thấy được sự nguy hiểm của bệnh, cách phòng tránh lây nhiễm bệnh và lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh… Từ đó nâng cao nhận thức trong phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm.

Ðầu tháng 4/2019, dịch sởi bùng phát mạnh tại 2 xã Nà Bủng và Vàng Ðán. Trung tâm Y tế huyện đã chủ động điều tra xác minh, báo cáo kịp thời tình hình với cấp trên; triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh; điều động toàn bộ nhân lực Ðội Y tế dự phòng và Chăm sóc sức khỏe sinh sản hỗ trợ cho Trạm Y tế 2 xã nói trên để tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi - rubella nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Kết quả triển khai từ ngày 16 - 21/4/2019, đã tiêm vắc xin cho 1.196/1.256 trẻ (đạt 95,2%). Và kể từ ca mắc cuối cùng (ngày 9/6) đến ngày 4/7/2019, không ghi nhận ca mắc mới nào, dịch kết thúc và không có trường hợp biến chứng nặng hay tử vong.

Trạm Y tế xã Nà Hỳ là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác y tế dự phòng. Y sĩ Lò Văn Chính, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Nà Hỳ cho biết: Là xã vùng biên, địa bàn phức tạp hiểm trở, giao thông khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm trên 49,27%); trình độ dân trí hạn chế nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về y tế và vệ sinh phòng dịch rất khó khăn. Những năm qua ngoài công tác chuyên môn, cán bộ Trạm còn lên tận các bản vùng cao, như: Huổi Hoi, Sam Lang, Lai Khoang… để tuyên truyền hướng dẫn người dân ở sạch, ăn chín uống sôi, bảo đảm sức khỏe; dân số - kế hoạch hóa gia đình… Từ đầu năm đến nay, Trạm đã tư vấn trực tiếp 659 lượt, truyền thông trực tiếp 23 buổi tại cộng đồng thu hút 849 người nghe. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đến nay nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình đã có nhiều chuyển biến. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã có 16 ca mắc thủy đậu, 15 ca quai bị, 123 tiêu chảy. Tất cả các ca dịch được khống chế và điều trị kịp thời, không để bùng phát thành ổ dịch.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn về giao thông từ xã đến các bản; nhận thức về các bệnh truyền nhiễm (sởi, quai bị, thủy đậu) của một số người dân còn hạn chế; không hợp tác trong việc cho con em đi tiêm chủng phòng bệnh dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn chưa đạt kế hoạch đề ra. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh; tăng cường công tác tiêm chủng tại các bản có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhằm nâng cao hiệu quả phòng bệnh...