Mường Chà phòng, chống bệnh cúm

Thứ Hai 8:55 18/11/2019

ĐBP - Theo thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mường Chà, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện đã có hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh cúm. Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến hết tháng 10, huyện đã có 340 trường hợp mắc bệnh cúm. Ða số trường hợp mắc bệnh là trẻ em, tập trung ở các xã: Pa Ham, Mường Mươn, Na Sang... Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được tư vấn, điều trị kịp thời song để chủ động phòng, chống bệnh cúm phát sinh và lây lan, TTYT huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe.

Cán bộ TTYT huyện Mường Chà tuyên truyền triệu chứng, nguyên nhân, cách phòng tránh bệnh cúm cho người dân.

Ông Lương Hậu Tân, Giám đốc TTYT huyện Mường Chà cho biết: Mùa lạnh, nhiệt độ môi trường và độ ẩm không khí thấp là điều kiện thuận lợi để vi rút cúm phát triển và gây bệnh. Dịch cúm thường bùng phát trong phạm vi nhỏ nhưng nếu gặp điều kiện môi trường và thời tiết thuận lợi thì có thể lây lan nhanh chóng. Tất cả mọi người đều có thể bị mắc bệnh cúm, song đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh mãn tính (hen suyễn, bệnh tim, bệnh thận...). Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua nước bọt, dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh. Người bị bệnh thường có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho... Trẻ em khi mắc cúm có thêm triệu chứng đau tai, đau họng, tiêu chảy, nôn mửa. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Ðể chủ động phòng chống bệnh cúm, TTYT huyện đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh chủ động khoanh vùng, xử lý ổ dịch không để bệnh lây lan ra diện rộng; tổ chức thu dung, chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời, tránh trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng. Song song với đó, Trung tâm chỉ đạo Ðội Y tế dự phòng lập kế hoạch giám sát; thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình dịch bệnh để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng tránh. Ðặc biệt, công tác tuyên truyền được TTYT huyện chú trọng triển khai thực hiện nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả, như: Tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động khám chữa bệnh; cử cán bộ y tế xã và y tế viên thôn bản thường xuyên đến các gia đình để tuyên truyền về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh bệnh cúm; tuyên truyền qua hệ thống đài phát thanh của huyện, xã; lồng ghép vào các buổi họp dân, truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình… TTYT huyện cũng khuyến cáo người dân cách phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả nhất là chủ động tiêm vắc xin phòng cúm định kỳ. Bên cạnh đó, người dân cần tạo thói quen rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống tốt; mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người... Khi người thân trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ có biểu hiện mắc bệnh cúm cần quan tâm chăm sóc đúng cách hoặc đưa ngay đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.