Phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường

Thứ Hai 8:43 25/11/2019

ĐBP - Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính với biểu hiện lượng đường trong máu (lượng glucose trong máu) vượt quá tỷ lệ nhất định. Ðược ví như căn bệnh “nhà giàu”, khi đã mắc phải người bệnh sẽ phải điều trị suốt đời, gây nhiều tốn kém về kinh tế và tổn hại sức khỏe. Ðặc biệt, những biến chứng cực kỳ nguy hiểm mà bệnh tiểu đường có thể gây ra như: Các bệnh về tim mạch, huyết áp cao, tai biến mạch máu não, giảm thị lực, mù mắt, nhiễm trùng da, hoại tử tay chân, thậm chí dẫn đến tử vong…

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân, bệnh tiểu đường được chia thành 3 loại chính. Ðầu tiên là tiểu đường type 1 chiếm khoảng 10% các trường hợp mắc bệnh, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công tế bào sản xuất insulin (hóc môn chuyển hóa glucose), gây thiếu hụt insulin tuyệt đối. Bệnh thường xuất hiện ở người trẻ dưới 40 tuổi, liên quan đến yếu tố gen, môi trường và miễn dịch. Tiểu đường type 2 chủ yếu là do tình trạng đề kháng insulin chiếm tới 90% các trường hợp mắc bệnh tiểu đường, liên quan chủ yếu đến dinh dưỡng và lối sống không lành mạnh, thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi và béo phì, tuy nhiên độ tuổi mắc bệnh hiện nay đang ngày càng trẻ hóa. Loại thứ 3 là tiểu đường thai kỳ xuất hiện ở tuần 24 - 28 của thai kỳ do chế độ ăn uống quá thừa dưỡng chất và những thay đổi về nội tiết tố trong quá trình mang thai làm tăng đề kháng insulin. Tiểu đường thai kỳ thường tự hết sau khi sinh nhưng người mẹ sẽ có nguy cơ cao phát triển tiểu đường type 2.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có trên 4.000 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Trong đó, trên 3.300 bệnh nhân trong diện được quản lý. Bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và đây chính là điểm đáng sợ nhất của căn bệnh này. Một số biến chứng nguy hiểm cấp tính như hạ đường huyết, hôn mê do tăng đường huyết. Biến chứng mạn tính như biến chứng tim mạch, giảm thị lực có thể dẫn tới mù lòa, suy thận, tổn thương bàn chân có thể phải cắt cụt… Trong thực tế, có nhiều bệnh nhân khi phát hiện mắc bệnh tiểu đường có tâm lý bi quan hoặc kiêng khem thái quá, không khoa học còn khiến cơ thể bị suy nhược, sức khỏe giảm trầm trọng, dễ phát sinh thêm nhiều căn bệnh khác.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), tiểu đường là bệnh mạn tính nên chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Mục tiêu trong điều trị căn bệnh này là kiểm soát tốt đường huyết và ngăn ngừa biến chứng. Theo đó, bệnh nhân mắc bệnh cần khám và xét nghiệm đường huyết định kỳ ít nhất mỗi tháng 1 lần để được điều chỉnh thuốc, chế độ ăn uống, tập luyện cho phù hợp và phát hiện sớm các biến chứng của bệnh. Ðồng thời, người bệnh cũng cần tuân thủ quá trình điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Có hai phương pháp chính của việc điều trị bằng thuốc là tiêm insulin và “uống thuốc hạ đường huyết”, mỗi phương pháp có cách tiến hành khác nhau. Ðối với cách kiểm soát đường huyết không dùng thuốc, người bệnh nên ăn uống lành mạnh với thực đơn nhiều rau xanh, chất xơ và cắt giảm bớt các sản phẩm từ động vật, hạn chế những thực phẩm dễ gây tăng đường huyết như bánh kẹo, nước ngọt, đồ uống có ga… Hạn chế ăn các thực phẩm mặn như dưa, cà muối, cá muối, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp… Tuy nhiên vẫn phải cân đối các thành phần dinh dưỡng. Duy trì ổn định chất bột đường và nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như thực phẩm nguyên hạt hoặc nhiều chất xơ. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, để tránh làm đường huyết sau ăn tăng quá cao.

Ngoài ra, hoạt động thể lực đặc biệt cần thiết cho người bệnh đái tháo đường vì giúp giảm đường máu, giảm nguy cơ béo phì, nâng cao sức khỏe, thoải mái tinh thần. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc về thời gian và mức độ luyện tập. Người mắc tiểu đường có thể lựa chọn các hình thức vận động vừa sức như đi bộ, bơi lội, chạy bộ, đạp xe… khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần. Nên từ bỏ các thói quen xấu, bất lợi cho cơ thể như hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, hạn chế xem tivi, máy vi tính…