Xây dựng lối sống tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng

Thứ Hai 14:48 13/04/2020

Hằng ngày, có những thói quen đơn giản nhưng cần thiết đã bị nhiều người bỏ qua. Ðó là giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà-phòng và nước sạch, nhất là trước và sau khi ăn hoặc chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi, khi tay bẩn; che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí; bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay; không dùng chung đồ dùng cá nhân; không khạc nhổ bừa bãi… Duy trì những thói quen này cũng là khuyến cáo của Bộ Y tế để hạn chế lây nhiễm vi-rút, làm đại dịch Covid-19 lan rộng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cũng khuyến cáo người dân cần thay đổi những thói quen như: trước đây hay vô thức đưa tay lên mặt, nay không đưa tay lên mắt, mũi, miệng; trước đây về tới nhà sà vào người thân, nay cần thay ngay quần áo, tắm rửa; giữ cửa nhà thông thoáng, sạch sẽ; ăn chín, uống sôi; thường xuyên vận động thân thể…

Những khuyến cáo nêu trên về cơ bản không có gì mới so với các bài học giữ gìn vệ sinh cá nhân và rèn luyện thân thể mà học sinh đã được học trong trường phổ thông, thậm chí từ lúc mẫu giáo. Ðó cũng là nếp sống văn minh cơ bản nhất; chỉ có điều lâu nay khá nhiều người đã quên, coi thường, không thực hiện, và bây giờ nó tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch cho cộng đồng.

Khi dịch Covid-19 có những diễn biến mới phức tạp, Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện cách ly xã hội.Thời gian đầu, việc thực hiện Chỉ thị đã mang lại những hiệu quả tích cực trông thấy. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây bắt đầu xuất hiện những vi phạm từ một bộ phận người dân, nhất là ở hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, gây bức xúc và lo ngại sâu sắc trong dư luận. Ðó là việc tụ tập đông người nhậu nhẹt, điển hình là vụ nhậu say sưa của cán bộ, giảng viên một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh dẫn đến án mạng; hay vụ “liên hoan” của gần 30 thanh niên ngay trong trung tâm cách ly tỉnh Quảng Bình. Người dân ở nhiều khu chung cư phản ánh, đang trong thời gian cách ly xã hội nhưng một số người lớn tuổi tụ tập đánh cờ, trà lá rôm rả mà không có bất cứ biện pháp phòng hộ nào. Bên ngoài thì rất đông người đi bộ, tập thể dục, bỏ qua khuyến cáo giữ khoảng cách an toàn cũng như việc đeo khẩu trang. Ðáng lo ngại nhất là hiện tượng người dân bắt đầu đổ ra đường. Phố xá sau những ngày đầu vắng vẻ, lại nhộn nhịp người qua lại, trong số này hẳn nhiều người ra đường mà không “thật sự có việc thật cần thiết” theo quy định tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 (ngày 9-4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, “không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch Covid-19”, xử phạt nghiêm, phê phán cá nhân, tập thể vi phạm. Còn Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung thì tha thiết mong người dân thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội, bởi “chủ quan ra đường, dịch lây lan sẽ không kịp trở tay”.

Cả hệ thống chính trị đã nỗ lực làm hết trách nhiệm trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 ở nước ta. Có rất nhiều tấm gương, hành động, hình ảnh đẹp hưởng ứng và chúng ta đã thu nhận được nhiều kết quả tích cực cho đến thời điểm này. Nhưng bên cạnh đó, sự lơ là, chủ quan của một bộ phận người dân đã đến mức báo động. Với thực trạng “mất dấu F0” và dịch bệnh đang có những diễn biến khó lường, nếu để dịch bùng phát thì nguy cơ lây lan sẽ rất nhanh, chúng ta sẽ mất đi “cơ hội vàng” dập dịch, khiến những nỗ lực trước đó của cả hệ thống chính trị và bao nhiêu con người trằn mình chống dịch bị “đổ xuống sông xuống bể”.

Khi một biến cố lớn xảy ra sẽ làm bộc lộ nhiều điều lúc bình thường ta không nhìn thấy, nhất là các biểu hiện hành vi, lối sống của mỗi con người. Lối sống được coi là tập hợp của nhiều thói quen mà con người ta lựa chọn hoặc phải tuân thủ. Những thói quen tốt tạo nên lối sống chuẩn mực, an toàn và ngược lại. Ðây là thời điểm cần thiết, là “cơ” trong “nguy” để mỗi người nhìn nhận lại lối sống, sinh hoạt của mình, để tự bảo vệ bản thân và góp phần cùng cả xã hội chiến thắng đại dịch. Hình phạt về bản chất mang tác dụng răn đe, cảnh tỉnh người vi phạm và nhắc nhở cộng đồng là chính; còn sự hiểu biết, nhận thức đúng đắn, rồi tự giác thực hiện là điều cần phải làm; nhắc và hướng dẫn người khác cùng làm với mình, mới giải quyết triệt để những thói quen, hành vi lệch chuẩn gây nguy hiểm trong mùa đại dịch.

Xây dựng lối sống tích cực, nhân văn, có trách nhiệm với cộng đồng; duy trì những thói quen lành mạnh, khoa học; tránh xa và có thái độ nghiêm khắc trước những hành vi chủ quan, lơ là của người khác, chính là việc mỗi người cần làm lúc này. Ðó không phải là hô khẩu hiệu mà là việc làm thực tế, thiết thân, đúng đắn nhất để chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch.