Thuốc lá và bệnh ung thư phổi

Thứ Hai 9:24 28/09/2020

ĐBP - Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong những bệnh nhân ung thư ở nam giới. Ung thư phổi có mối liên hệ mật thiết với những người có tiền sử hút thuốc lá, tuổi hút thuốc cũng như số lượng thuốc lá sử dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có xu hướng gia tăng ở nữ giới và người không hút thuốc lá. Bệnh ung thư phổi thường diễn biến âm thầm theo thời gian, người bệnh thường không biết là mình mắc bệnh và chủ quan không đi khám nên khi phát bệnh thì thường ở giai đoạn muộn.

Bác sĩ Bệnh viện Ða khoa tỉnh chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Theo thống kê của Bệnh viện Ða khoa tỉnh, trong 9 tháng qua có 886 lượt bệnh nhân đến khám bệnh về phổi (tăng 1,26% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, số bệnh nhân nặng phải nằm điều trị nội trú 213 trường hợp. Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Hải Phong, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) cho biết: Các dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn sớm thường có triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Khi bệnh phát triển, thường có các triệu chứng đau ngực, đau dai dẳng, cố định ở một vị trí, ho kéo dài, ngày càng nặng hơn, có thể có máu, khó thở khi khối u to, chèn ép, nói khàn… Bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với một số bệnh thông thường khác (viêm họng, viêm thanh quản, viêm phổi…). Có khoảng 13% bệnh nhân không biểu hiện bất cứ một triệu chứng nào như trên khi khối u của họ bị phát hiện. Ở hầu hết bệnh nhân ung thư, kết quả điều trị tốt nhất khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nguy cơ mắc ung thư phổi cũng cao hơn ở những người thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động (những người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc lá). Từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến bệnh lý về phổi tăng. Khoa cấp cứu trung bình có 4 - 5 ca thở máy/ngày. Khoa hồi sức tích cực và chống độc, phải huy động hết cơ số máy thở của khoa để sử dụng; dao động từ 8 - 11 giờ/ngày trong tổng số 15 giường bệnh của khoa.

Hiện nay chưa có thuốc hay vắc xin ngăn ngừa ung thư phổi. Việc điều trị tùy theo giai đoạn bệnh và phương pháp điều trị cũng khác nhau. Phương thức điều trị có thể đơn thuần hoặc phối hợp nhiều phương pháp. Mục đích của điều trị có thể là chữa khỏi hoặc kiềm chế bệnh để kéo dài sự sống, giảm đau đớn, kiểm soát triệu chứng nhằm cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Khi mắc bệnh, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều trái cây, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, một lượng thịt vừa phải, ít chất béo động vật và hạn chế đường. Tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên; đặc biệt tinh thần phải luôn lạc quan, thoải mái.

Ông Bùi Việt Thanh, xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên bệnh nhân đang điều trị K phổi tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh chia sẻ: Cách đây 2 tháng tôi khám định kỳ bệnh tiểu đường tại bệnh viện, thấy đau tức ngực nên đi chụp chiếu và xét nghiệm. Kết quả cho biết bệnh K phổi đã diễn biến nặng, phải nhập viện điều trị hóa chất. Hiện sức khỏe của tôi cơ bản đã ổn định. Ðược các bác sĩ, người nhà động viên tôi không còn suy sụp tinh thần nữa mà xác định vui vẻ sống chung với bệnh tật; ăn uống, sinh hoạt điều độ theo hướng dẫn của bác sĩ. Tôi có trên 20 năm hút thuốc lá, thuốc lào. Từ nay tôi tuyệt đối không sử dụng thuốc lá, thuốc lào.

Ðể phòng tránh các loại bệnh nói chung và ung thư phổi nói riêng, các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người cần tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng - 1 năm/1 lần để phát hiện ra bệnh sớm và điều trị kịp thời. Ðặc biệt, không hút lá, thuốc lào, lạm dụng rượu, bia, tránh tiếp xúc với tia phóng xạ, bụi, khói, thực hiện các biện pháp an toàn lao động. Khi có các biểu hiện sốt, ho dai dẳng kéo dài, đau tức ngực… nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.