Trái ngọt tuổi 30

Thứ Ba 0:00 12/01/2016
Sau lần lỡ hẹn vào năm trước, Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã có được danh hiệu cá nhân cao quý nhất trong sự nghiệp khi được trao danh hiệu Quả bóng vàng nữ Việt Nam năm 2015. Với tiền đạo này, Quả bóng vàng Việt Nam năm 2015 là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ với không ít nỗi đau, nước mắt trong hơn 10 năm qua.

Ở tuổi 30 mới giành danh hiệu Quả bóng vàng là chuyện không đơn giản với một nữ cầu thủ. Nhưng Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã làm được bằng một năm thi đấu chói sáng, nhất là trong màu áo đội tuyển quốc gia. Ghi tới 12 bàn thắng cho đội tuyển, trong đó có 2 bàn thắng ở trận Việt Nam thắng Thái Lan 2-1 tại vòng loại thứ 2 Olympic 2016 là thành tích gây ấn tượng mạnh với giới chuyên môn. Kể cả khi không thể cùng Hà Nội lên ngôi vô địch quốc gia thì Nguyễn Thị Minh Nguyệt vẫn được đánh giá cao khi chứng tỏ được vai trò đầu tàu của mình.

Tiền đạo Minh Nguyệt nhận danh hiệu Quả bóng vàng nữ Việt Nam 2015.

Ít ai biết, cách đây gần 20 năm, cô bé người Mỹ Đức (Hà Tây cũ) này đã chọn bóng chuyền để theo nghiệp VĐV đỉnh cao, nhưng không đỗ vào tuyển trẻ của đội nữ Bộ Tư lệnh Thông tin vì không đáp ứng về chiều cao nên mới bén duyên với bóng đá. Năm học lớp 10, khi luyện thi điền kinh để cùng đội Hà Tây chuẩn bị cho Hội khỏe Phù Đổng năm 2003 thì cô được các HLV Đội bóng đá nữ trẻ Hà Tây phát hiện. HLV Nguyễn Văn Xuân của đội đề nghị cô bé lớp 10 này vào tập bóng đá với Đội trẻ Hà Tây và sau khi cân nhắc, Minh Nguyệt nhận lời.

Đấy là lần gặp gỡ bước ngoặt trong cuộc đời cầu thủ của cô, bởi chỉ một năm sau Minh Nguyệt đã được gọi vào Đội tuyển quốc gia. Ở môi trường thuận lợi, được các đàn chị như Nguyễn Mai Lan, Đoàn Thị Kim Chi, Đào Thị Miện, Trần Bích Hạnh chỉ dạy, Nguyễn Thị Minh Nguyệt tiến bộ trông thấy. Đến năm 2005, cô đã có danh hiệu vô địch quốc tế đầu tiên trong đời cầu thủ khi cùng đội nữ Việt Nam đăng quang ở SEA Games 23. Còn ở thời điểm này, Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã sở hữu 2 chức vô địch SEA Games, 2 chức vô địch Đông Nam Á và không ít chức vô địch quốc gia với đội nữ Hà Nội, nơi cô vẫn là trụ cột không thể thiếu khi đội bóng đá Hà Tây cũ và Hà Nội hợp nhất. Như nhiều người đã nói, dù ở đâu thì người tài vẫn có chỗ đứng. Bây giờ Nguyễn Thị Minh Nguyệt mới giành Quả bóng vàng là hơi muộn bởi cô xứng đáng sở hữu danh hiệu cá nhân cao quý này từ một, hai năm trước rồi. Mà quãng đời cầu thủ của Nguyễn Thị Minh Nguyệt không chỉ có hoa hồng. Ít nhất hai lần cô tưởng đã phải giã từ sự nghiệp. Lần đầu vào năm 2009, khi cô bị rắn độc cắn lúc đang ở Tam Đảo cùng Đội tuyển quốc gia. Lúc ấy, cả đội tuyển và các thầy ở CLB Hà Nội rất lo cho tính mạng của cô. Vậy mà cô lại bình phục, qua cơn nguy kịch để rồi sau đó cùng đồng đội đăng quang trên đất Lào ở SEA Games 25.

Lần thứ hai vào năm 2010, khi cô bị đứt dây chằng chéo trước. Với chấn thương nặng như vậy, nếu không có nghị lực, khó trở lại sân cỏ và càng khó lấy lại phong độ đỉnh cao. Có nỗi đau thể xác kéo dài, có những giọt nước mắt khi nhìn các đồng đội thi đấu, lên đường dự giải, nhưng rồi, Minh Nguyệt tập hồi phục mọi nơi mọi lúc với hy vọng sẽ có ngày trở lại sân cỏ. Nhờ đó, cô mới có lần trở lại sân cỏ ngoạn mục vào hơn một năm sau với chức vô địch Đông Nam Á 2013 và giờ là danh hiệu Quả bóng vàng đầu tiên trong nghiệp cầu thủ.

Khi sắp vào giai đoạn cuối của sự nghiệp, cũng có lúc Minh Nguyệt tính đến việc trở thành giáo viên dạy thể dục ở ngôi trường nào đó. Nhưng trái bóng vẫn hút cô ở lại với sân cỏ. Cuối năm 2015, cô đã được đưa vào danh sách xét tuyển biên chế của Sở VH-TT Hà Nội với định hướng trở thành HLV sau khi ngừng thi đấu. Chủ nhiệm CLB Bóng đá Hà Nội Đặng Xuân Hưởng nói rằng: Danh hiệu Quả bóng vàng đến với Nguyễn Thị Minh Nguyệt là hoàn toàn xứng đáng. Ở cầu thủ này hội tụ cả tài và đức, ý chí phấn đấu cao độ. Chưa bao giờ Minh Nguyệt đòi hỏi điều gì với lãnh đạo bộ môn mà chỉ miệt mài cống hiến. Điều đó làm chúng tôi thực sự trân trọng em và mong em sẽ luôn cống hiến cho bóng đá Hà Nội.