Thói quen chờ đợi

Thứ Ba 0:00 24/05/2016
Điền kinh vừa giành được 5 HCV ở giải Đài Loan mở rộng 2016, nhưng thành tích vẫn chưa thể tiệm cận chuẩn dự Olympic 2016. Khi quỹ thời gian ngày một cạn dần, thì không chỉ điền kinh, mà thầy trò ở một số đội tuyển khác nữa bắt đầu cảm nhận được sự khắc nghiệt của cuộc đua…

Lãnh đạo ngành TDTT đâm ra lo lắng sau hàng loạt thất bại của điền kinh, quyền Anh thời gian gần đây trong nỗ lực giành vé đến Rio de Janeiro 2016. Đấy là 2 trong số những môn được kỳ vọng lớn, nên việc “thi trượt” sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các môn khác. Điền kinh ngoài suất khá bất ngờ của Nguyễn Thành Ngưng, đến hiện tại vẫn đang tay trắng, kể cả 2 suất “treo” của nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Huyền.

Nguy cơ mất 2 suất “treo” dự Olympic 2016 của nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Huyền đang rất cao.

Không quan ngại không được vì chỉ còn hơn 1 tháng nữa, danh sách dự Olympic 2016 sẽ được Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) chốt lại (đầu tháng 7), trong khi không còn quá nhiều các giải đấu vừa tầm ở châu Á để các VĐV chọn tham dự. Có lẽ, 3 tour thuộc hệ thống Asian Grand Prix Series 2016 diễn ra trong tháng 6 là cứu cánh lớn nhất cho điền kinh Việt Nam, kể cả đối với những VĐV đang tập huấn trong nước như Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, Lê Trọng Hinh, Bùi Thị Thu Thảo… cho đến nhóm VĐV đang tập huấn ở Mỹ như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch. Trong trường hợp, LĐĐK châu Á không tổ chức sự kiện này, thì coi như điền kinh Việt Nam sẽ… bơ vơ.

Có một thực tế là dù biết thừa cơ hội ngày càng hẹp dần, giới chức quản lý điền kinh và kể cả phía LĐĐK quốc gia vẫn đang phó mặc cho số phận, chưa thực sự tâm huyết đối với chính sự nghiệp của mình. Đến mức, một số VĐV cho biết giải Đài Loan mở rộng vừa rồi không nằm trong kế hoạch chuẩn bị chuyên môn của thầy trò họ, và việc đẩy cao khối lượng vận động vài ngày trước khi lên đường dự giải khiến VĐV dính chấn thương, vừa ảnh hưởng đến kế hoạch lâu dài, lại vừa tốn kém kinh phí đầu tư.

Thử hình dung cái cách mà điền kinh chuẩn bị lực lượng cho cuộc chinh phục chuẩn dự Olympic 2016 từ cách đây 2 năm, thì sẽ thấy, về cơ bản vẫn là kiểu tự phát, dựa nhiều vào sự đột biến về thành tích của VĐV trong thi đấu, chứ chưa rõ ràng về chiến lược và vai trò hoạch định chiến lược của giới chức. Thế cho nên, ngay cả khi VĐV Nguyễn Thị Huyền rơi vào tình thế nguy hiểm trên bảng xếp hạng của IAAF ở 2 cự ly cô từng đạt đến chuẩn Olympic là 400m và 400m rào nữ, chỉ một vài người quan tâm đến điền kinh mới biết, còn lại đều rất… mù mờ.

Thói quen chờ đợi đã ăn sâu, bám rễ vào rất nhiều người làm điền kinh ở Việt Nam. Thay vì vận động, chủ động tiếp cận cái mới để tiến bộ, đôi khi người ta chỉ biết trông chờ vào tài năng của VĐV, hoặc may mắn, mà quên rằng tài năng nếu không được tôi luyện liên tục và được rèn giũa ở những giải đấu quốc tế có trình độ cao, cũng khó mà thành công.

Thành thử, sau màn ra quân khá ấn tượng ở SEA Games 28 hồi giữa năm ngoái, đội tuyển điền kinh Việt Nam giờ đây bị xé lẻ và “mạnh ai nấy chuẩn bị”, mỗi nhóm môn tự chuẩn bị và đặt ra mục tiêu trong cuộc chạy đua giành vé Olympic 2016 vượt khỏi tầm của họ, chứ không phải được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh thực sự. Thế mới xảy ra câu chuyện khá hài hước, rằng nếu HLV và VĐV không đảm bảo chắc chắn sẽ giành được huy chương thì nên rút lui khỏi ĐTQG trước thềm SEA Games 28. VĐV “già dơ”, giỏi thì chẳng sao, những VĐV trẻ triển vọng nếu cũng áp dụng luôn luật bất thành văn này vào cơ chế tuyển chọn ĐTQG, họ làm gì có cơ hội vươn lên? Mà làm thế, điền kinh chẳng khác gì đang tự hại mình, vẫn chưa thể loại bỏ được căn bệnh thành tích đã ăn sâu, bám rễ trong tư duy của nhiều người làm nghề, của giới quản lý.

Điền kinh Việt Nam giành được 5 HCV tại giải điền kinh Đài Loan mở rộng 2016. Vũ Thị Ly là người mở hàng với tấm HCV cự ly 1.500m nữ (thành tích 4’30”26). Tiếp sau đó, Hoàng Thị Ngọc vô địch cự ly 400m nữ (53”79), Dương Văn Thái về nhất cự ly 1.500m nam (3’53”07). Khép lại giải đấu, điền kinh Việt Nam giành thêm 2 tấm HCV của Nguyễn Văn Lai ở cự ly 5.000 nam (thành tích 15’00”91) và Vũ Thị Ly (800m nữ với 2’13”54).