Thể thao Việt Nam - Nguồn nhân lực cho Olympic

Thứ Sáu 9:38 03/02/2017
Có rất nhiều kế sách được ngành TDTT tính đến sau thành công vang dội của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016, với hy vọng từ cuộc “hóa Rồng” đó, thể thao Việt Nam sẽ mạnh mẽ chuyển mình để sớm thoát khỏi “áo cũ” Đông Nam Á và thực sự vươn ra biển lớn.

Ngay đầu năm mới 2017, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khẳng định sẽ vẫn tiếp tục tập luyện và thi đấu cho đến khi bắn súng nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung không còn cần anh nữa. Đấy là điều đáng mừng, đặc biệt là sau một khoảng thời gian bận rộn với việc làm từ thiện, sắm vai đại sứ thương hiệu ở các lĩnh vực khác nhau, nhiều người tưởng chừng anh đã giã từ sự nghiệp VĐV.

 

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là 1 trong những niềm hy vọng của thể thao Việt Nam ở Olympic 2020.

Khả năng của VĐV Hoàng Xuân Vinh vẫn đủ giúp anh ngự trị ở vị trí số 1 khu vực, châu lục và thậm chí là khi đến với đấu trường thế giới. Bắn súng Việt Nam suy cho cùng chưa tìm được gương mặt thứ nhì - sau Xuân Vinh, tái lập được chiến tích tương tự. Thế nên, điều đáng mừng đó vô tình lại trở thành mối quan ngại trong chiến lược chuẩn bị nguồn nhân lực cho Olympic Tokyo 2020, nơi thể thao Việt Nam đang nung nấu quyết tâm bảo vệ ít nhất 1 HCV và 1 HCB mà Xuân Vinh đã giành được. Tức là trong vòng chưa đầy 4 năm, thể thao Việt Nam phải đầu tư để sở hữu 1 VĐV giỏi như Hoàng Xuân Vinh. Rõ ràng, đây là thách thức lớn. Bản thân Xuân Vinh nếu còn thi đấu đến năm 2020 cũng không thể tự tin cho rằng tuổi 47 sẽ giúp anh làm được điều tương tự tại Rio de Janeiro 2016.

Thi đấu thể thao và nhất là phải cạnh tranh ở môi trường khốc liệt và đầy rẫy những anh tài như Olympic, gần như không có VĐV tài năng nào trên thế giới tự cho mình là giành chiến thắng dễ dàng, là số 1 mãi mãi. Đến ngay cả nhà vô địch các cự ly ngắn ở 3 kỳ Olympic liên tiếp như Usain Bolt, như kình ngư Michael Phelps rốt cuộc cũng phải dừng cuộc chơi khi đạt đến giới hạn của bản thân.

Ngoài bắn súng, thể thao Việt Nam còn gì để chuẩn bị cho Olympic 2020? Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện từng nhấn mạnh: “Thành công lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã khích lệ cả nền thể thao cùng vươn lên. Trong chiến lược đầu tư cho tương lai, những môn thể thao phù hợp với đặc điểm thể chất của VĐV Việt Nam như điền kinh, bơi lội, cử tạ, TDDC, bóng đá và các môn thế mạnh của chúng ta có trong chương trình thi đấu của Olympic, Asiad là bắn súng, taekwondo, karatedo, judo, vật, boxing, đấu kiếm, rowing… sẽ được ưu tiên hàng đầu”.

Cũng nằm trong kế sách chuẩn bị nguồn nhân lực cho các sự kiện thể thao lớn, ông Nguyễn Ngọc Thiện còn khẳng định bên cạnh việc sử dụng nguồn HLV tài năng trong nước, Bộ VH-TT-DL sẽ sát cánh cùng ngành TDTT Việt Nam mời thêm các chuyên gia giỏi của các nước cùng tham gia huấn luyện cho VĐV, đồng thời tạo điều kiện cho họ được tập huấn, thi đấu quốc tế nhiều hơn để trui rèn bản lĩnh và nâng cao trình độ chuyên môn.

Vấn đề là kể từ năm 2017, ngoại trừ những gương mặt vẫn đang thể hiện được sự tiến bộ đáng nể như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Quách Thị Lan (điền kinh), Thạch Kim Tuấn và Nguyễn Trần Anh Tuấn (cử tạ), Đinh Phương Thành (TDDC), Hà Minh Thành, Hoàng Ngọc (bắn súng), Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Anh Tú (bóng bàn)…, thì nhiều VĐV tài năng đã tuyên bố chia tay sự nghiệp, trong đó đáng tiếc nhất là trường hợp của nhà vô địch World Cup TDDC Phan Thị Hà Thanh, để lại sau lưng cả khoảng trống mênh mông và nhất thời không có ai bù đắp nổi.

Đầu tư cho Olympic 2020 và xa hơn là chiến lược quan trọng rất cấp thiết, trong đó nguồn nhân lực tài năng phải được đặt lên hàng đầu. Tất cả phải được làm đồng bộ, lớp lang và tập trung mọi nguồn lực tài chính (cả của ngành lẫn từ công tác xã hội hóa), chứ không phải tự phát như các bộ môn điền kinh, bơi lội, cầu lông, quần vợt đang thực hiện…